Cháy rừng ở Siberia là một phần của chu kỳ hàng năm, nhưng nhiều chuyên gia khí hậu coi phạm vi tàn phá đáng kinh ngạc của những đám cháy năm nay là một dấu hiệu nữa cho thấy nguy cơ hỏa hoạn lớn hơn khi Trái đất đang nóng lên.
Nga đang phải chiến đấu với hơn 170 đám cháy rừng ở Siberia, khiến các sân bay, tuyến đường phải đóng cửa cũng như khiến người dân phải sơ tán trên diện rộng.
Alexei Yaroshenko, chuyên gia lâm nghiệp của tổ chức Hòa bình xanh Nga, cho biết những đám cháy đang hoành hành ở Siberia lớn hơn cả đám cháy ở Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Canada cộng lại. Các nhà phân tích cảnh báo rằng đợt cháy rừng năm nay ở Nga có thể vượt cả năm hỏa hoạn tồi tệ nhất của nước này hồi năm 2012.
Theo tổ chức Hòa bình Xanh, gần 7.000 nhân viên cứu hỏa, binh sĩ và nhân viên hỗ trợ khẩn cấp Nga đang chiến đấu với những đám cháy rừng đã thiêu rụi hơn 160.000 km2 ở Siberia, gần gấp đôi diện tích nước Áo. Giới chức địa phương cho biết họ đang cần rất thêm nhiều tình nguyện viên và kinh phí để chữa cháy.
Đồng thời, giới chức địa phương cũng đang bỏ mặc 66 đám cháy vì quá khó dập hoặc không đe doạ tới nhà cửa, cơ sở hạ tầng. Những đám cháy này đã thiêu rụi hơn 20.700 km2 rừng, gần gấp 10 lần quy mô đám cháy Dixie ở California.
Theo Trung tâm Cứu hỏa Liên ngành Quốc gia Mỹ, hơn 100 đám cháy ở Mỹ năm nay đã thiêu rụi hơn 23.200 km2. Tại Canada, hơn 33.600 km2 cũng bị hỏa hoạn thiêu rụi. Diện tích rừng bị cháy ở Thổ Nhĩ Kỳ năm nay là hơn 1.700 km2, trong khi con số này ở Hy Lạp và Italy đều hơn khoảng 1.000 km2. Tổng diện tích rừng bị cháy ở những khu vực này là hơn 60.000 km2, bằng 1/3 diện tích rừng bị thiêu rụi tại Siberia.
Trước những đám cháy rừng nghiêm trọng ở Siberia, Bộ trưởng Bộ phát triển Viễn Đông và Bắc Cực Alexander Kozlov tuần qua đã kêu gọi tăng hơn 100% ngân sách chữa cháy, từ 81 triệu USD lên gần 190 triệu USD.
Năm ngoái, các đám cháy ở Nga đã thiêu rụi 4,7 tỷ cây xanh, gấp 7 lần lượng cây được trồng, theo Hòa bình Xanh. Trong một tháng, các đám cháy ở Nga đã thải ra lượng khí carbon bằng tổng lượng khí thải CO2 của Thuỵ Điển trong cả năm.
Theo báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, mùa hè ở Nga có thể sẽ trở nên khô và nóng hơn. Báo cáo cho biết khoảng 1/3 tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Siberia sẽ tan chảy vào cuối thế kỷ này, ngay cả khi lượng khí thải carbon toàn cầu giảm mạnh.
Ngọc Ánh (Theo Washington Post)