Lực lượng tuần duyên Hy Lạp đã sơ tán hơn 2.000 người khỏi đảo Evia, điểm nghỉ mát nổi tiếng ở đông bắc Athens, từ khi cháy rừng bùng phát hôm 3/8. Lực lượng cứu hỏa từ hơn 20 quốc gia châu Âu đang có mặt ở Evia để giúp ngăn chặn cháy rừng đang phá hủy hàng nghìn m2 đất rừng và nhà cửa.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho hay vụ cháy rừng tàn phá đảo Evia là một phần trong chuỗi thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra bởi hành vi con người. Khói bốc lên từ đám cháy che khuất ánh nắng mặt trời giữa thời tiết nóng nhất mà Hy Lạp từng ghi nhận trong 30 năm qua.
Giáo sư Petteria Taalas, tổng thư ký của WMO, đưa ra tuyên bố sau khi Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc công bố báo cáo mang tính bước ngoặt, cảnh báo biến đổi khí hậu đang gia tăng và không thể đảo ngược ở một số mặt.
"Thực tế nghiệt ngã của biến đổi khí hậu đang diễn ra theo thời gian thực ngay trước mắt chúng ta", Taalas nói. "Đó là dự đoán về những gì thế hệ tương lai phải đối mặt. Một số thay đổi tiêu cực đã trở thành vấn đề nan giải trong hệ thống khí hậu, nhưng một số khác vẫn có thể giải quyết nếu chúng ta giảm phát thải quyết liệt, nhanh chóng và bền vững ngay từ lúc này".
Nhiệt độ đã lên tới 45 độ C trên khắp Hy Lạp trong vài ngày qua. Trong khi đám cháy lớn tàn phá nhà cửa, cơ sở kinh doanh và rừng ở phía bắc Athens đang suy yếu dần, những vụ cháy khác bùng lên thiêu rụi rừng, đất nông nghiệp ở Peloponnese, miền nam Hy Lạp.
Hỏa hoạn cũng hoành hành ở nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ trong 10 ngày qua. Theo báo cáo của IPPC, nhiệt độ toàn cầu về dài hạn sẽ tăng lên, với mức tăng 1,5 độ C đủ để gây ra nhiều đợt nắng nóng, lũ lụt và hạn hán. Việc mức nhiệt tăng 2 độ C có thể khiến hệ thống nông nghiệp và y tế trên thế giới thất thủ.
Taalas chắc chắn các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cùng hỏa hoạn ở châu Âu và khắp thế giới có liên quan tới nhau. "Cái nóng khắc nghiệt mà chúng ta chứng kiến năm 2021 mang tất cả dấu ấn của biến đổi khí hậu do con người gây ra. Cháy rừng ở Bắc Mỹ do nắng nóng và hạn hán đã thổi lớp khói bụi ra Đại Tây Dương", ông nói.
"Những ngày gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều đám cháy kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp giữa một đợt nắng nóng dữ dội và kéo dài ở Địa Trung Hải. Siberia, khu vực xưa nay gắn liền với băng vĩnh cửu, một lần nữa chứng kiến những đám cháy rừng lớn sau đợt nắng nóng bất thường, hỏa hoạn và mực băng thấp ở biển Bắc Cực năm 2020".
WMO, cơ quan của Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, đã thành lập IPCC cùng Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc năm 1988.
Đối với một số người ở Evia, hỗ trợ quốc tế giờ đây có thể trở nên vô nghĩa. "Đã quá muộn rồi, khu vực này đã bị phá hủy", Giannis Kontzias, thị trưởng Istiaia, khu đô thị phía bắc Evia, nói hôm 8/8.
Hồng Hạnh (Theo NBC News)