Trả lời:
Có thể thấy cháu bị rối loạn kinh nguyệt. Nhưng khó có thể xác định được trường hợp rối loạn của cháu thuộc loại nào, do thư không đề cập đến những chi tiết như: tuổi hiện nay của cháu là bao nhiêu, có kinh lần đầu năm nào, chu kỳ bao nhiêu ngày, mỗi kỳ hành kinh bao lâu, lượng máu ra nhiều hay ít, các triệu chứng toàn thân (nhức đầu, căng đau ngực, đau bụng...) có gì đặc biệt không.
Có thể cháu thuộc nhóm người có kinh thưa (chu kỳ kinh quá dài). Mỗi khi thấy lâu chưa có, cháu uống thuốc điều kinh thì lại thấy vì giai đoạn dùng thuốc cũng gần tới lúc thấy kinh. Sau đó, do chưa đến ngày nên cháu lại không thấy ra máu chứ không phải đã "nhờn" thuốc. Cháu không cho biết thành phần của thuốc nên chưa có cơ sở nào để khẳng định tình trạng rối loạn kinh của cháu có phải do rối loạn chức năng nội tiết buồng trứng hay không.
Hiện tượng kinh nguyệt xảy ra do niêm mạc trong buồng tử cung bị bong ra, gây chảy máu. Đó là hậu quả những tác động nội tiết của vùng dưới đồi, tuyến yên và buồng trứng đối với tử cung. Máu kinh cũng như máu khác của cơ thể, không phải là chất độc hại cần phải đào thải như cháu nghĩ. Việc mọc mụn (trứng cá) cũng liên quan đến hoạt động của các chất nội tiết trong cơ thể. Vì vậy, để chữa rối loạn kinh nguyệt và mụn nhọt, cháu nên đi khám ở bác sĩ phụ khoa - nội tiết để có chẩn đoán chính xác và được điều trị hợp lý.
BS Phó Đức Nhuận, Khoa Học & Đời Sống