Thông tin được Cơ quan Hàng Không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết trong một thông cáo báo chí vào tuần này. Đây là cột mốc quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm dấu vết của sự sống cổ đại trên sao Hỏa. Hố va chạm Jezero được cho từng là một vùng châu thổ sông với hồ nước lớn cách đây hàng tỷ năm.
NASA lưu ý rằng việc phát hiện phân tử hữu cơ chứa carbon chưa thể coi là bằng chứng trực tiếp của sự sống. Nói đúng hơn, họ đã tìm thấy các "khối xây dựng sự sống" vì hợp chất hữu cơ có thể tạo ra bằng cả quá trình sinh học và phi sinh học. Cần có các nghiên cứu sâu hơn để xác định quá trình nào hình thành nên hợp chất tại Jezero.
Perseverance đã phát hiện các phân tử hữu cơ trong những hạt bụi trên đá không mài mòn, cũng như bên trong các tảng đá bị mài mòn từ khu vực có biệt danh là South Séítah - một vết nứt có nguồn gốc từ núi lửa tại miệng hố Jezero - bằng cách sử dụng máy quét laser và quang phổ SHERLOC.
Theo NASA, khu vực mà Perseverance thăm dò kể từ khi hạ cánh vào tháng 2/2021 rất có thể được hình thành bởi đá nóng chảy hay dung nham cổ đại, thứ đã tương tác nhiều lần với nước thông qua các vết nứt và tạo nên phân tử hữu cơ.
Robot thăm dò của NASA cũng đã khoan sâu vào lớp đá bề mặt South Séítah để kiểm tra chi tiết đặc điểm địa hóa của khu vực và nhận thấy nó chứa rất nhiều tinh thể olivin được bao bọc bởi khoáng chất pyroxene.
"Khi magma nguội đi, các tinh thể olivin kết tinh và lắng xuống, sau đó pyroxene hình thành xung quanh chúng", nhà địa chất Viện Công nghệ California (Caltech) giải thích.
Các khám phá mới gợi ý rằng đã có một lượng nước đáng kể, có thể là nước mặn, bên trong vết nứt South Séítah khi những tảng đá hình thành từ dung nham, và sự sống có khả năng tồn tại trong môi trường nước đó.
Đoàn Dương (Theo Interesting Engineering/BBC)