Robot Perseverance lần đầu tiên chụp ảnh hoàng hôn sao Hỏa hôm 9/11, ngày thứ 257 của nhiệm vụ (tính theo ngày sao Hỏa), bằng hệ thống camera Mastcam-Z. Trong ảnh, Mặt Trời đã khuất sau những ngọn núi của hố trũng Jezero, nơi các nhà khoa học tin rằng từng chứa đầy nước.
Hoàng hôn sao Hỏa thường có màu xanh lam, nhưng bức ảnh mới lại không như vậy. Nguyên nhân là không có nhiều bụi trong khí quyển khi Perseverance hướng ống kính lên và chụp ảnh.
Sao Hỏa vốn nổi tiếng là hành tinh hoang mạc nhiều cát bụi. "Bụi mịn trong khí quyển cho phép ánh sáng xanh lam xuyên qua tốt hơn so với những màu có bước sóng dài hơn. Hoàng hôn lần này trông khác biệt vì có ít bụi trong khí quyển, khiến cảnh tượng có màu trầm hơn mức trung bình", NASA giải thích.
Perseverance hạ cánh xuống sao Hỏa ngày 18/2. Robot rất bận rộn với các nhiệm vụ trên bề mặt hành tinh đỏ nên đến nay mới có thể chụp ảnh Mặt Trời lặn. Nhiệm vụ chính của nó là tìm kiếm dấu vết của sự sống cổ đại. Nó sẽ nghiên cứu những mẫu đất đá thú vị có thể chứa dấu vết sự sống, ví dụ như chất hữu cơ mà vi sinh vật từng hấp thụ. Ngoài ra, robot cũng tìm hiểu về khí hậu và địa chất của sao Hỏa trong quá khứ, tạo điều kiện cho con người khám phá hành tinh đỏ.
Perseverance đã bắt đầu lấy mẫu đất đá để phục vụ cho nhiệm vụ thu thập mẫu vật và mang về Trái Đất trong tương lai. Đến nay, dưới sự chỉ dẫn của NASA, robot lấy và bảo quản được ba mẫu đất đá trong các ống bằng titan. Một ngày nào đó, chúng có thể giúp các nhà khoa học xác định xem có sinh vật sống nào từng phát triển trong những hồ nước trên sao Hỏa hay không.
Thu Thảo (Theo Mashable)