Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Đại học Y Hà Nội, cho biết trong Đông y, toàn bộ cây diếp cá được dùng để làm thuốc trị cảm cúm và phế cầu khuẩn, giải độc, thanh nhiệt, giảm đau, trị ho, trị đau dạ dày, dùng ngoài trị ghẻ, nấm eczema, bệnh trĩ tắc mạch... Rau có tác dụng thúc đẩy mọc tóc, giúp tóc bạc đen trẻ lại, đồng thời bồi bổ cơ thể.
Rễ cây diếp cá mềm và giòn, vị tanh nhẹ, ăn sống hoặc nấu chín. Cành, lá trộn salad, xào, ngâm muối hoặc chế biến đồ uống cùng với trà, rượu rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, mùi lá diếp hơi tanh nên nhiều người không ăn được.
Bài thuốc từ cây diếp cá
Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên trường Đại học Y dược TP HCM, khi bị trĩ hoặc táo bón, dùng lá diếp cá tươi hoặc hơi khô nấu nước xông hậu môn trong 10 phút, sau đó ngâm và rửa hậu môn lúc nước còn nóng.
Lưu ý, nên phơi diếp cá trong bóng mát khi lá vẫn xanh, tránh phơi nắng to làm héo lá sẽ mất hoạt chất. Có thể giã lá tươi lấy nước để uống kết hợp đắp vào chỗ đau rồi băng lại. Dùng 50 g lá tươi giã vắt lấy nước, thêm muối cho bớt tanh. Uống mỗi ngày 50 đến 100 g lá tươi, liên tục trong ba tháng.
Diếp cá còn có thể dùng chữa sởi, mề đay, viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm ruột, bệnh ngoài da... Cách thức: Dùng 30 g diếp cá tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nửa bát nước nguội, đun sôi, để nguội và uống một lần. Sau đó lấy bã đắp vào thái dương trị cảm, sốt.
Bài thuốc chống lão hóa: Một thìa nước cốt rau diếp cá trộn một thìa mật ong nguyên chất. Mật ong giúp da dưỡng ẩm, kháng khuẩn, chống lão hóa, da sáng và mịn màng hơn. Làm mặt nạ da trước khi đi ngủ vì lúc đó da được nghỉ ngơi và có thể hấp thụ dưỡng chất nhiều nhất.
Ngoài ra, ra diếp cá còn ngăn ngừa mụn hiệu quả. Giã nát diếp cá, trộn với một chút muối hạt rồi thoa lên mặt giúp da săn chắc, điều tiết chất nhờn, đặc biệt là vùng chữ T (trán, mũi, cằm). Nhờ tính sát khuẩn, rau diếp cá giúp da thải độc, ngăn ngừa và điều trị mụn trứng cá.
Thùy An