Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển, gây bệnh viêm họng cấp, gây đau họng, ho khan, viêm phế quản...
Trong Đông y, toàn bộ cây diếp cá được dùng để làm thuốc trị cảm cúm và phế cầu khuẩn, giải độc, thanh nhiệt, giảm đau, trị ho, giảm đau họng hiệu quả. Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Hội Đông y Việt Nam, chia sẻ các bài thuốc từ lá rau trong vườn để chữa khỏi các triệu chứng khó chịu này.
Uống nước ép rau diếp cá
Dùng nước ép rau diếp cá là cách đơn giản nhất để chữa viêm họng, có thể chế biến theo cách dưới đây để sử dụng uống mỗi ngày.
Đầu tiên, lấy một nắm lá cây diếp cá rửa sạch và để cho ráo nước. Sau đó đem xay nhuyễn hoặc giã nhỏ rồi lọc lấy nước cốt. Sau cùng pha nước cốt thu được với một ít nước ấm rồi uống từng ngụm. Áp dụng 2 lần/ngày, liên tục trong 4-5 ngày bệnh thuyên giảm hẳn.
Lá diếp cá kết hợp cam thảo đất
Ngoài việc uống trực tiếp, lá rau diếp cá còn có thể kết hợp với các loại thảo dược khác để có được hiệu quả tốt hơn trong điều trị bệnh viêm họng. Dùng khoảng 50 g lá diếp cá và 20 g lá cam thảo đất, đem rửa sạch rồi cho vào nồi sắc với nước để uống hàng ngày.
Thực hiện đều đặn 2-3 ngày sẽ thấy cổ họng mình đỡ đau, các triệu chứng viêm họng cũng dần biến mất.
Lá diếp cá sắc cùng nước vo gạo
Nước vo gạo có chứa nhiều vitamin B và khoáng chất có lợi đối với sức khỏe. Các chất này đóng vai trò quan trọng trong các phản ứng hóa sinh trong cơ thể, giúp bổ sung dưỡng chất và tăng khả năng miễn dịch. Kết hợp diếp cá cùng nước vo gạo rất hiệu quả trong điều trị bệnh viêm họng. Cách sử dụng như sau:
Chuẩn bị 200 g lá diếp cá đem rửa sạch, chờ ráo nước rồi giã nát hoặc xay nhuyễn. Đun sôi khoảng 300 ml nước vo gạo, sau đó bỏ rau diếp cá vào đun đến sôi thì tắt bếp.
Trong quá trình đun, khuấy đều để các chất hòa quyện vào nhau. Sau cùng bỏ phần bã, chắt lấy nước cốt để uống.
Nên chia bài thuốc thành hai phần uống vào buổi sáng và tối mỗi ngày để nhanh khỏi bệnh.
Ngoài ra, diếp cá có thể trị đau dạ dày, dùng ngoài trị ghẻ, nấm eczema, bệnh trĩ tắc mạch... Rau có tác dụng thúc đẩy mọc tóc, giúp tóc bạc đen trẻ lại, đồng thời bồi bổ cơ thể. Rễ cây diếp cá mềm và giòn, vị tanh nhẹ, ăn sống hoặc nấu chín. Cành, lá trộn salad, xào, ngâm muối hoặc chế biến đồ uống cùng với trà, rượu rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, mùi lá diếp hơi tanh nên nhiều người không ăn được.
Thùy Anh