Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định đợt dịch đậu mùa khỉ ở các nước châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Tính đến 31/8, hơn 20.000 ca mắc đậu mùa khỉ đã được báo cáo tại 13 quốc gia thuộc Liên minh châu Phi, trong đó hơn 500 ca tử vong. Trong đó, Cộng hòa Congo có số mắc cao nhất với hơn 19.000 ca.
Tình hình trên khiến các cơ quan y tế công cộng nhắc lại lời kêu gọi về vaccine để phòng chống bệnh tật. Tuy nhiên đến nay, chỉ có Nigeria được tiếp nhận vaccine, còn các quốc gia khác chưa tiếp nhận được.
Theo France24, có hai rào cản khiến châu Phi khó tiếp nhận vaccine đậu mùa khỉ. Đầu tiên là chi phí và dự trữ vaccine. Sau đợt bùng phát bệnh năm 2022, các quốc gia giàu có đã nhanh chóng tích trữ hàng triệu liều tiêm để bảo vệ người dân. Chỉ một lượng nhỏ vaccine được viện trợ cho châu Phi.
Hiện thế giới có hai loại vaccine phòng đậu mùa khỉ gồm MVA-BN do Bavarian Nordic (Đan Mạch) sản xuất và LC16 của Nhật Bản. Tuy nhiên, cả hai loại vaccine này đều có chi phí quá cao đối với châu Phi. Đến 30/8, các quốc gia tại châu lục này chưa có đủ 10% trong số 245 triệu USD - số tiền ước tính cần thiết để chống lại những đợt bùng phát đậu mùa khỉ.
Theo các trang tin, châu Phi có thủ tục hành chính rườm rà, cản trở việc phân phối vaccine khẩn cấp. Họ dựa vào tiêu chí của WHO để đánh giá loại thuốc, vaccine nào an toàn và hiệu quả, thay vì cơ quan quản lý thuốc địa phương. Việc này cũng khiến nhiều quốc gia phụ thuộc vào sự chấp thuận của WHO, khả năng phân phối, hỗ trợ của UNICEF và Gavi.
New York Times đánh giá cách làm trên cũng khiến châu Phi phải chịu sự chi phối của "quy trình quản lý thuốc phức tạp" từ WHO. Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc bị đánh giá "rất sợ rủi ro" và "không chuẩn bị tốt để hành động kịp thời trong tình huống khẩn cấp".
Hai năm sau đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ vào năm 2022, WHO vẫn chưa chính thức phê duyệt vaccine MVA-BN và LC16, với lý do "không có đủ dữ liệu cần thiết để tiến hành đánh giá đầy đủ". Tháng 8, WHO mới kích hoạt "Danh sách sử dụng khẩn cấp" để đẩy nhanh quá trình phê duyệt và cho phép Gavi và UNICEF mua vaccine.
Để chung tay kiểm soát tình hình dịch bệnh tại châu Phi, cuối tháng 8, Pháp, Đức, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Mỹ cùng Liên minh châu Âu đã quyên góp khoảng một triệu liều vaccine.
Anna-Lise Williamson, chuyên gia về vaccine tại Viện Bệnh truyền nhiễm và Y học phân tử thuộc Đại học Cape Town (Nam Phi), cho biết dù số lượng quyên góp đang tăng lên, khả năng đủ vaccine để tiêm chủng cho người dân Cộng hòa Congo và nước láng giềng không cao. Bà cùng nhiều chuyên gia khác cho rằng cần tăng cường giám sát để xác định yếu tố khiến virus lây lan, để tiêm chủng đúng mục tiêu.
Một chuyên gia của WHO cho rằng vaccine chỉ là một trong nhiều công cụ kiểm soát dịch bệnh. Các nước cần tiếp tục truy vết tiếp xúc, giám sát chặt chẽ, phối hợp nhiều biện pháp y tế công cộng và chăm sóc cho người bệnh.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi đang xây dựng một kế hoạch ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh, sẽ trình các nguyên thủ quốc gia xem xét vào tháng 9. Cơ quan này cũng đề xuất nhà sản xuất vaccine Bavarian Nordic chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine tại châu Phi.
Trong bối cảnh chưa có vaccine và thuốc, nhân viên y tế được khuyến cáo tập trung vào cung cấp dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ, đảm bảo bệnh nhân có đủ thức ăn và được hỗ trợ sức khỏe tâm thần.
Chi Lê
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.