Lần gặp nào, ông cũng kể cho tôi nghe về kỳ nghỉ dài ngày hàng năm của ông cùng gia đình, khi thì tại bờ biển Địa Trung Hải, lúc thì tới vùng Caribe, hay cả nước láng giềng Thái Lan. Tôi thắc mắc vì sao ông không chọn những bờ biển đẹp ở Việt Nam.
Sven giải thích: "Gia đình tôi cũng từng đi nghỉ tại bờ biển miền Trung Việt Nam nhưng không có ý định quay lại. Việt Nam có nhiều bãi biển đẹp, đồ ăn tuyệt vời, nhưng chúng tôi không chịu nổi rác. Túi nylon, chai nhựa, vỏ hộp, thức ăn thừa, thậm chí vỏ hột vịt lộn, vỏ đậu phộng hay khẩu trang vứt khắp nơi".
Tôi cũng có câu chuyện khác về du lịch. Khi tới thăm một gia đình Việt kiều ở Montreal, Canada và tham khảo họ về nơi đi nghỉ ở châu Mỹ, họ khuyên chọn bãi biển Trung Mỹ để thấy sự khác biệt với Việt Nam. Mùa xuân năm nay, chúng tôi đã tới Cancun - một bờ biển nổi tiếng tại Mexico.
Tại cửa khẩu Cancun, dù yêu cầu thị thực nhập cảnh đối với công dân Việt Nam, Mexico vẫn chào đón chúng tôi do chính sách miễn visa với người đang có visa Mỹ hoặc Canada. Từ sân bay, chúng tôi được đón tới khu resort nằm ngay bên bờ biển. Resort 5 sao này có đầy đủ dịch vụ ăn uống với các loại ẩm thực địa phương, ẩm thực Á - Âu tại 7 nhà hàng đẳng cấp, có hoạt động khám phá thiên nhiên, trải nghiệm golf chín hố ngay trong resort, các tour thưởng thức đặc sản địa phương và shopping. Toàn bộ chương trình 5 sao trọn gói với chi phí gần 1.000 USD/ khách bao gồm vé máy bay hai chiều từ Montreal sang Cancun. So sánh với một tour có khoảng cách bay tương đương như từ Hàn Quốc tới Việt Nam và các dịch vụ tương đương thì chi phí này đúng là không tưởng, chưa nói tới chất lượng dịch vụ.
Điểm nổi bật và ấn tượng hơn cả là bờ biển và khu du lịch hoàn toàn không thấy rác. Từ nhân viên resort tới khách du lịch đều có ý thức rất cao đối với vấn đề rác thải và rác được phân loại từ đầu nguồn.
Những chia sẻ từ Sven và trải nghiệm cá nhân trên phần nào giúp tôi giải đáp câu hỏi vì sao đa số khách du lịch tới Việt Nam không có ý định quay trở lại. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO), 2019 - năm hoàng kim của du lịch Việt Nam - tỷ lệ khách nước ngoài trở lại Việt Nam khoảng hơn 10%, trong khi của Thái Lan và Singapore lần lượt là 82% và 89%.
Ngành du lịch - sau một năm thất bại, chỉ đón được 3,5 triệu lượt khách quốc tế trong 2022 - đã đặt mục tiêu 8 triệu lượt khách nước ngoài vào 2023. Con số này ban đầu được giới chuyên gia đánh giá là "nằm trong tầm tay", "dễ đạt", trông đợi vào sự mở cửa của các thị trường như Hàn Quốc, đặc biệt là Trung Quốc - đất nước đã cung cấp hơn 5,8 triệu lượt khách cho Việt Nam trong năm 2019.
Nhưng sau khi mở cửa vào 8/1, Trung Quốc chỉ cho phép các công ty lữ hành tổ chức tour quốc tế đến 20 nước, không có Việt Nam. Không biết đến bao giờ danh sách này mới được mở rộng thêm. Bối cảnh éo le đó khiến câu hỏi "làm thế nào để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc" đặt ra ráo riết hơn hết.
Hướng tới châu Âu, với thị trường dồi dào, khách du lịch giàu có, chi tiêu nhiều thoạt nhiên là một đáp án dễ nhìn thấy. Nhưng thực tế, như câu chuyện Sven đã cho thấy, thu hút phân khúc khách cao cấp không phải là điều dễ dàng với thực trạng du lịch Việt Nam hiện tại.
Rác thải đang được thế giới coi là vấn đề nghiêm trọng cần được kiểm soát. Ngày nay, thế giới thải ra hơn hai tỷ tấn chất thải rắn mỗi năm và con số này dự kiến tăng lên 3-4 tỷ tấn vào 2050. Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về xả rác thải nhựa ra biển. Với những du khách nước ngoài vốn đã hình thành thói quen và ý thức về môi trường thì việc vứt rác bừa bãi đơn giản là điều không thể chấp nhận được.
Và rác mới chỉ là một trong số hàng loạt điểm yếu của du lịch Việt Nam.
Chính phủ đang yêu cầu các cơ quan liên quan phải có chính sách thông thoáng đối với các thủ tục nhập cảnh của khách du lịch. Ngành du lịch cũng đang có những nỗ lực và đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi ở giai đoạn hậu Covid. Song song đó là cam kết từ Chính phủ sẽ đưa mức phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050, thì sự phát triển ngành du lịch để vừa thu hút khách nước ngoài với chính sách nhập cảnh thông thoáng, dịch vụ chất lượng cao, giá cả hợp lý và vừa làm giảm dấu chân carbon (carbon footprint) là hai vấn đề cần giải quyết song song với mức độ cấp thiết như nhau.
Nếu ngành du lịch ra sức quảng cáo những bờ biển đẹp, những phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, con người thân thiện, ẩm thực phong phú nhưng không tạo điều kiện về thủ tục nhập cảnh, không thiết kế được dịch vụ hấp dẫn với giá cả cạnh tranh hay xây dựng được môi trường xanh sạch thì mục tiêu 8 triệu lượt năm nay sẽ tiếp tục là một thách thức.
Đinh Hồng Kỳ