Trong dự thảo báo cáo tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ 2023, Tổng cục Du lịch đề xuất đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt nội địa, thu về khoảng 650.000 tỷ đồng.
"Thoải mái" là nhận định của ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Theo ông Dũng, việc Tổng cục Du lịch đưa ra con số này chắc chắn đã nghiên cứu, dựa vào tín hiệu thị trường quốc tế, năng lực phục hồi, tiến độ mở cửa du lịch các quốc gia trên thế giới và sự hỗ trợ trong cơ chế của Chính phủ. "Với tôi, con số này hợp lý", ông Dũng nói thêm.
Trong số 8 triệu khách quốc tế, ông Dũng kỳ vọng Đà Nẵng có thể đón 1,8 triệu lượt, chiếm khoảng 22% kế hoạch đặt ra của toàn quốc. "Nếu thị trường khách trọng điểm của chúng tôi là Trung Quốc, Hàn Quốc phục hồi, con số kể trên là chắc chắn", ông nói. Năm 2022, Đà Nẵng đón 500.000 lượt khách quốc tế, chiếm gần 15% lượng khách đến Việt Nam.
"Nếu thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc phục hồi" cũng là điều không chỉ ông Dũng mà còn nhiều người làm du lịch đặt ra kèm đánh giá về mục tiêu năm mới.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng mục tiêu 8 triệu là phù hợp. Nhưng bà Hoàng tỏ ra thận trọng khi kèm thêm điều kiện "nếu thị trường khách chính là Trung Quốc mở lại vào tháng 3 năm sau như dự kiến, và người dân nước họ có thể đi du lịch quốc tế. Còn nếu không kịp đón khách Trung Quốc, phải làm thật tốt việc quảng bá. Chúng ta vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ", bà Hoàng nói.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) cũng cho rằng con số 8 triệu là khả thi. Thậm chí theo ông Việt Nam nên đặt mục tiêu lớn hơn, chẳng hạn 9-10 triệu lượt khách. "10 triệu không phải con số quá cao. Chúng ta nên đề con số này để tạo động lực phấn đấu. Làm gì cũng cần có khát vọng. Có khát vọng, chúng ta mới có thể vượt lên tầm cao mới và phát triển". Ông tiết lộ thêm, nhiều doanh nghiệp lữ hành bày tỏ tự tin với việc hoàn thành mục tiêu năm nay.
Ba năm trước dịch, theo thống kê của Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế thấp hơn nội địa, nhưng chi tiêu lớn hơn nhiều. Năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng một phần năm khách nội địa, nhưng đóng góp gần 56% tổng nguồn thu khoảng 760.000 tỷ đồng. Con số của hai năm trước đó cũng tương đương. Điều này cho thấy du lịch quốc tế có vai trò quan trọng với ngành du lịch Việt Nam. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng không chỉ là con số bao nhiêu, mà quan trọng hơn là đưa ra giải pháp để hoàn thành mục tiêu và để du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển trong tương lai.
2017 | 2018 | 2019 | |||||||
Khách | Số lượng (triệu lượt) | Doanh thu (tỷ đồng) | Tỷ lệ (%) | Số lượng (triệu lượt) | Doanh thu (tỷ đồng) | Tỷ lệ (%) | Số lượng (triệu lượt) | Doanh thu (tỷ đồng) | Tỷ lệ (%) |
Quốc tế | 12,9 | 316.000 | 58,4 | 15,5 | 383.000 | 60,1 | 18 | 421.000 | 55,7 |
Nội địa | 73,2 | 225.000 | 41,6 | 80 | 254.000 | 39,9 | 85 | 334.000 | 44,3 |
Lượng khách và tỷ lệ đóng góp doanh thu khách quốc tế và nội địa 3 năm trước Covid-19 (Nguồn: Tổng cục Du lịch)
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực mở cửa du lịch từ tháng 3, nhưng hết năm chỉ đạt được khoảng 70% lượng khách quốc tế so với mục tiêu. Trong khi đó, các quốc gia khác ở Đông Nam Á đều đã hoàn thành. Thái Lan đề xuất đón 10 triệu lượt khách và đến đầu tháng 12 đã vượt kế hoạch. Hai tháng cuối năm, một số thị trường chính của Thái Lan ở châu Âu thậm chí đã đạt gần mức trước dịch. Trong khi đó, không có thị trường trọng điểm nào của Việt Nam phục hồi được mức 50%.
Đại diện Vietravel đưa ra ba giải pháp để đạt được mục tiêu gồm nâng thời gian lưu trú cho khách quốc tế lên 30 ngày, nối dài danh sách các nước miễn visa và tập trung quảng bá mạnh mẽ để hút khách ở thị trường Ấn Độ - Trung Đông (GCC). Đây đều là những khu vực đông dân, thường xuyên đi du lịch. Theo Bộ Du lịch Ấn Độ, năm 2019, hơn 31,4 triệu lượt khách đi nước ngoài du lịch nhưng chỉ gần 169.000 lượt đến Việt Nam. Còn với khối GCC (Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia, UAE), số lượt đi nước ngoài gần 60 triệu và con số tới Việt Nam gần 6.000 lượt.
Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis Adventure, đơn vị tổ chức tour Sơn Đoòng, cho hay: "Việt Nam có thể đón được 12 triệu lượt khách nếu thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) hồi phục hoàn toàn. Nhưng dù 8 hay 12 thì chỉ giải quyết vấn đề thành tích. Điều quan trọng là cần nhìn vào cơ cấu thị trường và có một thực tế, ngành du lịch Việt Nam đang sống nhờ nhóm khách Âu - Mỹ".
Khi nói đến mục tiêu khách quốc tế, theo ông Á cần phân loại thị trường. Hai nhóm khách này đi du lịch khác nhau. Khách Đông Bắc Á sẽ đi theo chuỗi riêng, chi tiêu chủ yếu chỉ là tiền vé tham quan còn khách Âu - Mỹ sẽ đi để tìm kiếm những thứ ở nước họ không có như làng mạc, núi rừng, thôn quê, lịch sử và sẵn sàng chi tiền cho những thứ xứng đáng". Năm 2019 nhóm khách Âu - Mỹ đã đạt 6 triệu lượt nên nếu đặt mục tiêu thì 2023 Việt Nam nên phấn đấu đón được 4 triệu khách nhóm Âu - Mỹ.
"Chúng ta mới chỉ đưa ra mục tiêu, nhưng cần đưa thêm các phương án, hành động cụ thể. Chúng tôi đề xuất chính phủ nên thành lập một tổ công tác đặc biệt để phục hồi du lịch Việt Nam", đại diện TAB nói. Tổ công tác đặc biệt sẽ cùng nhau lên phương án, kế sách để hút khách quay lại Việt Nam, đạt mục tiêu 8 triệu hoặc hơn nữa, cũng như phân vai rõ ràng ai làm gì. Ông Chính cho rằng, chỉ có "cầm tay đặt việc" từng người, có kế hoạch chi tiết, chúng ta mới có thể hoàn thành.
Nhiều chuyên gia du lịch bày tỏ sự tiếc nuối khi Việt Nam không thể hoàn thành mục tiêu như các nước trong khu vực. Một trong những lý do là chính sách visa chưa thông thoáng, số lượng miễn visa còn ít (24 nước). Trong khi đó, Thái Lan miễn visa cho hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ còn Philippines là hơn 150. Nếu Việt Nam nới rộng danh sách miễn visa nhiều hơn, chắc chắn hoàn thành chỉ tiêu đón 5 triệu lượt khách.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng Việt Nam đang là điểm đến an toàn bậc nhất (về dịch bệnh) trên thế giới. Đây chính là cơ hội vàng để chúng ta vượt lên, bứt phá và hút khách.
Phương Anh - Linh Hương