Tôi thử làm việc này sau khi quan sát những tranh luận liên quan đến Nghị định 176/2024, về việc người báo cáo vi phạm giao thông sẽ được thưởng phần trăm tiền phạt, tối đa lên đến 5 triệu đồng. Nếu chính sách được áp dụng, mỗi người dân sẽ trở thành một mắt xích hỗ trợ cảnh sát giao thông đảm bảo trật tự, an toàn. Lực lượng cảnh sát dự định sử dụng phần mềm để nhận hình ảnh, thông tin của người dân làm căn cứ xử phạt.
E ngại đầu tiên của tôi là khả năng chuẩn hóa của quá trình xử lý. Hình ảnh thu thập bởi camera giao thông được đảm bảo minh bạch bởi Chính phủ. Trong khi đó, hình ảnh từ ngoài hệ thống có thể đã qua chỉnh sửa. Adobe Photoshop hiện đã tích hợp AI, có thể tạo ảnh vi phạm từ ảnh không vi phạm với một vài thủ thuật đơn giản, như cách tôi đã thử.
Tất nhiên, nếu phân tích kỹ sẽ nhận ra những điểm bất hợp lý trong các bức ảnh chỉnh sửa của tôi. Tuy nhiên, tôi tin rằng phần thưởng tiền mặt đủ lớn có thể khiến các "chiến thần photoshop" vào cuộc. Bản thân người bị phạt chỉ có thể nhớ tuyến đường mình đi, chứ cũng không thể chắc ở khoảnh khắc đó mình có vi phạm hay không.
Bất cập thứ hai là khả năng xảy ra xung đột giữa người tham gia giao thông và người theo dõi - đã sớm được đặt tên là "thợ săn tiền thưởng". "Thợ săn" không phải là cảnh sát giao thông nên không được đào tạo nghiệp vụ, không được pháp luật bảo vệ như người làm công vụ nếu xảy ra xung đột. Họ chủ yếu hoạt động vì lợi nhuận chứ không phải vì ý thức giao thông nên có thể sẽ có nhiều hành động cản trở giao thông để ghi hình, như dừng xe giữa đường, ném dị vật, hay nhảy xồ ra ở các nút giao khiến tài xế bị động mà mắc lỗi. Mà việc xử lý nguội người đi bộ lại không hề dễ dàng.
Thứ ba là việc theo dõi này sẽ làm người điều khiển phương tiện ức chế và gây mất an toàn, nhất là khi mật độ giao thông ở Việt Nam dày đặc. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra cảm giác thường xuyên bị theo dõi lấp ló sẽ gây ra những khó chịu cả về thể chất và tinh thần. Vậy nên ở Australia, trước mỗi điểm có gắn camera cố định để bắn tốc độ hoặc vượt đèn đỏ sẽ có một tấm biển nhắc nhở người dân rằng đoạn đường sắp tới có camera. Điều này ban đầu làm tôi thấy buồn cười, nhưng so sánh với cảm giác có người bất thình lình nhảy ra chặn đầu xe thì tôi thấy đỡ hơn rất nhiều.
Tôi không phản đối việc tăng cao mức phạt, bởi khi chế tài đã rõ ràng từ trước, người dân sẽ phải nâng cao ý thức chấp hành. Những ngày qua cho thấy vỉa hè dần được trả lại cho người đi bộ, ý thức của người dân được nâng cao hơn.
Thưởng người báo cáo vi phạm cũng không phải phương thức lạ lẫm gì. Một số nơi trên thế giới đã áp dụng việc này. Delhi, Ấn Độ trao thưởng tới khoảng 14,7 triệu đồng cho người báo cáo vi phạm giao thông qua ứng dụng Traffic Prahari. Một bang khác của Ấn Độ là Goa trả khoảng 300 nghìn đồng cho 100 điểm thưởng khi báo cáo vi phạm. Nhưng giải pháp này thường áp dụng ngắn hạn và được triển khai ở những vùng đặc biệt đông dân, không đủ lực lượng cảnh sát để giám sát vi phạm.
Tôi cho rằng, cần cân nhắc mọi lẽ khi áp dụng cơ chế treo thưởng này ở Việt Nam. Khi mức phạt đã tăng cao theo Nghị định 168, không nên gây thêm quá nhiều ức chế cho người tham gia giao thông. Nếu phải lựa chọn, tôi đề nghị lấy tiền phạt để nâng cấp, tăng mật độ phủ camera giao thông. Vừa đạt mục đích đảm bảo trật tự giao thông một cách minh bạch, vừa có thể theo dõi các loại tội phạm khác.
Mặt khác, để giảm áp lực cho người tham gia giao thông, có một số việc cũng cần thực hiện cấp bách, liên quan đến việc kiểm tra lại hệ thống đèn tín hiệu, đảm bảo hoạt động chính xác và minh bạch. Việc lắp đèn giao thông AI, điều tiết theo lưu lượng và thời gian thực đang được TP HCM thí điểm là rất đáng mừng. Tuy nhiên, tôi thấy hiện tượng bật xanh ở nút giao này trong khi nút giao tiếp vẫn đang tắc khá phổ biến. Tình trạng tắc kéo dài qua nhiều nút giao cần điều tiết hiệu quả hơn.
Rất nhiều người từng ví von rằng tham gia giao thông ở Việt Nam như đi đánh trận mà xung quanh hầu hết toàn là "quân ta". Vì đường vẫn tắc ngay cả khi mọi người đều di chuyển cùng một hướng. Nay với sự xuất hiện của "thợ săn tiền thưởng", người ra đường có thể sẽ gặp cả "quân địch" lẫn "quân ta".
Tô Thức