Đối mặt với áp lực phải chỉnh trang Hà Nội chuẩn bị cho Expo diễn ra một năm sau và bệnh dịch tả đang lây lan khắp châu Á, nhà đương cục Pháp đã phát động chiến dịch diệt chuột cống trên khắp Hà Nội. Để khuyến khích người dân tham gia, giới cầm quyền treo thưởng một xu mỗi con được giao nộp. Kết quả thời gian đầu là hết sức ấn tượng, khi số lượng chuột thu được mỗi ngày đều ở mức cao, khiến giới chức gặp khó khăn trong việc xử lý xác chuột. Người Pháp sau đó giải quyết vấn đề "lưu kho, tiêu hủy" này bằng việc chỉ yêu cầu giao đuôi chuột là được tiền thưởng.
Trớ trêu thay, tuy số đuôi chuột được giao vẫn cao nhưng số lượng chuột không giảm. Đến lúc này, nhà cầm quyền Pháp mới bắt đầu điều tra và phát hiện một hình ảnh khiến họ ngỡ ngàng: những con chuột không đuôi chạy trên phố phường Hà Nội. Hóa ra, người dân lo sợ nếu tích cực diệt chuột, số chuột sẽ hết, nên thay vì giết, họ chỉ cắt đuôi đem nộp, và thả chuột sống lại vào môi trường. Một phát hiện khác gây sốc hơn là khi chính quyền bắt được một trang trại... nuôi chuột ở ngoại thành Hà Nội, chuyên cung cấp chuột cho người Hà Nội cắt đuôi nhận thưởng.
Như vậy, một chính sách vốn được thiết kế để diệt chuột lại tạo ra hiệu ứng ngược là làm tăng dân số chuột. Nó cũng đồng thời tạo ra những nhóm "săn tiền thưởng" chuyên nghiệp. Nhà cầm quyền sau đó giảm giá thu mua đuôi chuột đến mức người ta không còn muốn "đầu tư" vào ngành nghề này nữa.
Những sự việc như ở Hà Nội đầu thế kỷ 20 không hiếm trên thế giới. Trong khoa học làm chính sách, hiện tượng này được gọi là "hiệu ứng rắn hổ mang" (Cobra Effect), để chỉ một chính sách thất bại tương tự của người Anh tại Ấn Độ, liên quan đến việc bắt rắn hổ mang. "Hiệu ứng rắn hổ mang" tạo ra một khuyến khích sai ngược (perverse incentive), khi mục tiêu chính sách không đạt được vì các động lực về tiền bạc khiến cho nhiều đối tượng muốn duy trì vấn đề nhằm hưởng lợi. Đối tượng đó có thể là người dân xem việc "săn tiền thưởng" là một nghề có thu nhập ổn định, cũng có thể là nhân viên công vụ xem việc duy trì tình trạng tạo nên công việc cho họ.
Để hạn chế "hiệu ứng rắn hổ mang", người làm chính sách nhất thiết phải hiểu được lợi ích đan xen của những người thực thi, từ đó có những chương trình phù hợp để không chỉ giám sát, mà còn ngăn ngừa các hành động trục lợi, gây méo mó mục tiêu.
Việt Nam nhiều ngày qua cũng đang xôn xao về việc người dân có thể được hỗ trợ tài chính lên đến 5 triệu đồng nếu cung cấp thông tin về vi phạm giao thông của người khác, theo Nghị định 176/2024 của Chính phủ.
Cơ chế thực hiện ra sao, trả thưởng như thế nào... cho đến nay vẫn còn đang được nghiên cứu. Do đó, thông tin về các cá nhân đã được nhận tiền thưởng từ việc cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm thời gian gần đây là không chính xác. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà có sự xôn xao.
Mục tiêu của chính sách này là nhằm khiến người tham gia giao thông "sợ" và có ý thức hơn trong hành vi của mình. Nhiều quốc gia trên thế giới từng áp dụng chính sách thưởng tiền cho người cung cấp thông tin, hình ảnh về vi phạm giao thông, hỗ trợ lực lượng cảnh sát. Mức thưởng tại Trung Quốc chẳng hạn nằm trong khoảng 20 đến 200 nhân dân tệ (khoảng 70.000 - 700.000 VNĐ) tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi. Giải pháp này, nhờ tận dụng sức mạnh của đông đảo quần chúng, có thể phát huy tác dụng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, nếu thiết kế không khéo, quá trình áp dụng rất dễ tạo ra "hiệu ứng rắn hổ mang". Những ngày qua, đã xuất hiện thông tin rao bán hình ảnh vi phạm giao thông, gây lo ngại về khả năng tạo ra một "nghề nghiệp" mới là nghề săn tiền thưởng. Nếu không có cơ chế nhận tin báo và trả thưởng khoa học, hợp lý và không có giải pháp chế ngự "hiệu ứng rắn hổ mang" thì mục tiêu chính sách không những có nguy cơ thất bại và còn có thể gia tăng sự nghi kỵ lẫn nhau, gây mất niềm tin và sự đoàn kết trong xã hội - là thứ quan trọng không kém trật tự hành chính trên đường.
Chính sách thưởng tiền người báo cáo vi phạm luật giao thông, theo Nghị định 176, khi áp dụng vào thực tế không thể coi nhẹ các khía cạnh như: khả năng đẩy người dân vào nguy cơ vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của người khác; khả năng đảm bảo tính chính xác của tin báo (trong bối cảnh công nghệ AI, deepfake rất phát triển); khả năng tạo ra kẽ hở lợi dụng chính sách cho mục đích tư thù, trục lợi từ sai lầm của người khác.
Tôi cho rằng mục tiêu của pháp luật giao thông không chỉ là để phạt người vi phạm, cũng như trách nhiệm của cảnh sát giao thông không phải chỉ là xử lý vi phạm. Mục tiêu và trách nhiệm của pháp luật giao thông còn là để người dân lưu thông an toàn, trật tự. Tất nhiên sẽ có những vi phạm lớn cần đến lực lượng thực thi pháp luật, nhưng đa số vi phạm nhỏ hoàn toàn có thể giải quyết bằng sự nhắc nhở lẫn nhau, thay vì một video clip để nhận thưởng.
Phạt là biện pháp để đảm bảo thi hành và không phải là biện pháp duy nhất. Nếu phạt và những hành vi hỗ trợ việc phạt, như khuyến khích giám sát, tạo ra bất cập lớn, trong khi mục tiêu an toàn của người dân hay các vấn đề khác không đạt được, thì đó sẽ là thất bại của chính sách.
Vì vậy, khi thiết kế pháp luật, cần luôn đảm bảo mục tiêu nguyên bản của chính sách, và không được để những việc vốn chỉ bổ trợ cho biện pháp thi hành như "săn tiền thưởng" trở thành một công việc mới hoặc là động lực chính của người tham gia.
Lê Nguyễn Duy Hậu