Ngày 10/7, VTV ngừng phát sóng phim Quỳnh Búp bê do ý kiến trái chiều của khán giả về nội dung. Trước đó, series này thu hút nhiều người theo dõi với các luồng ý kiến sôi nổi. Tác phẩm kể về cuộc sống của những cô gái mại dâm, có lối tiếp cận trực diện qua nhiều cảnh "nóng" và bạo lực. Một số khán giả nhận định phim chân thực nhưng bộ phận khác cho rằng không nên chiếu phim vào 20h45, thuộc khung giờ vàng (18h - 21h), lúc nhiều thành viên trong gia đình, kể cả các em nhỏ, có thể dễ dàng xem phim.
* Tập sáu của phim có nhiều cảnh ăn chơi
Trên VnExpress, độc giả có nickname TNT cho biết phải chuyển kênh vội do nhà có trẻ. Độc giả Hieu Van bày tỏ: "Không hiểu sao phim có cảnh bạo lực và tình dục lại phát sóng vào giờ vàng". Với các góp ý mạnh mẽ từ người xem, đơn vị phát hành có động thái hy hữu khi phim đã chiếu đến tập năm: gắn nhãn 18+ để cảnh báo về nội dung, hình ảnh không phù hợp người dưới độ tuổi quy định.
Quỳnh Búp bê không phải phim dài tập đầu tiên gây bàn tán do yếu tố nhạy cảm. Hồi năm 2014, Sex and the City ngừng chiếu trên VTV sau năm tập do có nhiều lời thoại về vấn đề tế nhị. Series nổi tiếng của Mỹ đã được biên tập lại ở Việt Nam nhưng vẫn bị một bộ phận dư luận phản ánh. Các phim truyền hình 18+ nước ngoài như Game of Thrones, Westworld... khi về Việt Nam cũng bị cắt một số cảnh.
Khoảng hai năm qua, yếu tố nhạy cảm trên truyền hình được quan tâm hơn khi nhiều phim Việt như Người phán xử, Quỳnh Búp bê theo đuổi đề tài và cách khai thác táo bạo hơn trước. Các tác phẩm được nâng cao về chất lượng, khắc họa chân thực cuộc sống và thoát khỏi lối mòn mô tả thiếu thực tế. Tuy nhiên, đi kèm điều này là câu hỏi về việc phân loại độ tuổi và sắp khung giờ chiếu cho chúng.
"Người phán xử" từng gây bàn tán với cảnh nhạy cảm. |
Từ tháng 10/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình phải cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm. Tuy nhiên, khác với phim điện ảnh - vốn có luật về dán nhãn với bốn mức, phim truyền hình Việt chưa có phân loại cụ thể về nội dung.
Theo điều 38 Luật Điện ảnh (2006), hiện nay, việc kiểm duyệt phim truyền hình chủ yếu do các đài tự thực hiện và chịu trách nhiệm. Bộ Văn hóa chỉ thu hồi giấy phép phổ biến nếu phát hiện vi phạm về nội dung, hình ảnh. Nhà báo Nguyễn Phong Việt - người nhiều năm theo dõi mảng phát hành phim - nhận định: "Việc phân loại hiện tại chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của nhà đài. Chuyện kiểm duyệt đang rất mơ hồ. Phim nào khán giả không phản ứng thì xem như không có việc gì, còn phim nào khán giả phản ứng mạnh như Quỳnh búp bê thì nhà đài tự ngừng chiếu".
"Quỳnh Búp bê" bị thay bằng phim mới trong tuần này. |
Nhiều nước có hệ thống phân loại truyền hình và quy định chặt chẽ về giờ chiếu. Tại Mỹ, từ năm 1997, các đài truyền hình dùng hệ thống phân loại TV parental guidelines (Hướng dẫn cho cha mẹ) với sáu mức: TV-Y (phù hợp cho trẻ nhỏ 2-6 tuổi), TV-Y7 (phù hợp cho trẻ trên 7 tuổi), TV-G (phù hợp mọi đối tượng nhưng không phải chương trình hướng đến trẻ em), TV-PG (nội dung có thể không phù hợp với trẻ nhỏ), TV-14 (không phù hợp với trẻ dưới 14 tuổi) và TV-MA (không phù hợp với trẻ em). Những kênh trực tuyến như Hulu và Amazon cũng áp dụng hệ thống phân loại tương tự. Kênh Netflix còn sử dụng một bảng phức tạp hơn, chia làm 16 loại ở ba hạng mục.
Tại Mỹ, chương trình có nhãn TV-MA được chiếu từ 22h đến 6h hôm sau. Thái Lan quy định các phim PG-18 (không phù hợp người dưới 18 tuổi) phát sóng từ 22h đến 5h hôm sau. Ở Hàn Quốc, các phim 19+ được chiếu từ 9h đến 13h và 22h đến 7h hôm sau. Việc khán giả chấp hành quy định mang tính tự nguyện chứ không ràng buộc luật pháp. Tuy nhiên, các nhãn và cảnh báo rạch ròi giúp cha mẹ có cơ sở để chọn chương trình cho con.
"Sex and the City" dừng chiếu ở Việt Nam hồi năm 2014 nhưng được chiếu lại vào năm 2016 (lúc 22h45). |
Việc xây dựng hệ thống đánh giá và khung giờ chiếu là điều cần thiết trong bối cảnh phim truyền hình Việt đang phát triển nhanh về số lượng. Điều này tạo hành lang thông thoáng cho các nhà làm phim trong tương lai. Anh Phong Việt nhận định: "Sau khi đã dán nhãn phim điện ảnh, nên nhanh chóng làm với phim truyền hình và áp khung giờ chiếu phù hợp cho đối tượng. Cơ chế rõ ràng sẽ tốt hơn là để mọi thứ phụ thuộc vào dư luận như hiện tại". Ngoài ra, một giải pháp khác cho các phim 18+ có thể là chiếu trên các kênh VOD - video theo nhu cầu.
Trường hợp Quỳnh Búp bê đột ngột ngừng chiếu gây hụt hẫng cho người xem lẫn nghệ sĩ. Hải Anh (vai Thịnh trong phim) bày tỏ: "Bộ phim mang đến cái nhìn thực tế về góc khuất trong xã hội. Nếu phim không được tiếp tục phát sóng, đó là điều đáng tiếc". Trên VnExpress, độc giả có nickname Dang Thuy nhận xét phim giúp khán giả hiểu được cuộc sống của những mảnh đời ngang trái. "Làm phim về đề tài nhạy cảm thì phải có các cảnh nhạy cảm. Tôi thấy các cảnh đó không quá ghê gớm", độc giả chia sẻ. Còn độc giả Duy Tuấn cho biết: "Cái gì cũng có tính hai mặt, giấu các con chưa chắc đã tốt bằng cho các con đối mặt với thực tế cuộc sống... từ đó các con sẽ tự có ý thức tránh chỗ tối".
Hiện tại, ê-kíp vẫn quay một số tập còn lại và chờ quyết định của cơ quan chức năng. Đạo diễn Mai Hồng Phong hy vọng phim có thể trở lại với khán giả vào khung giờ cũng như kênh phát sóng hợp lý. Diễn viên Hải Anh cho biết có thể series sẽ đổi giờ chiếu. Trên fanpage phim, nhiều độc giả đồng tình với hướng giải quyết này.
Ân Nguyễn