Những ngày qua, thông tin nghệ sĩ Quyền Linh quảng bá một loại thực phẩm chức năng gây chú ý với nhiều khán giả. Nhiều người cho rằng công dụng của sản phẩm bị quảng bá lố. Trên trang cá nhân, tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ (Viện nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope, California, Mỹ) nhận định các thông tin này "nguy hiểm vì không đúng sự thật", "không có bất cứ chứng nhận của bất kỳ tổ chức Y tế nào đảm bảo tác dụng điều trị bệnh tiểu đường của nó".
Tối 16/2, Quyền Linh cho biết không quảng cáo cho loại thực phẩm chức năng này. Nghệ sĩ cho rằng những người thực hiện video quảng cáo đã lấy hình ảnh, tiếng nói từ phần quảng cáo khác của anh trước đây - cũng liên quan bệnh tiểu đường, rồi chọn các đoạn quan trọng để nối lại thành video lồng ghép cho sản phẩm của họ.
Đồng thời, Quyền Linh nói chưa bao giờ ký hợp đồng quảng cáo cho bất kỳ loại thuốc xương khớp, thuốc gan thận, thuốc trĩ, hạ đường huyết, nhỏ mắt. "Tôi từng nhiều lần bị gán ghép như vậy, khiến uy tín chịu ảnh hưởng nặng nề. Thủ thuật ghép hình ảnh của các cá nhân này rất tinh vi. Tôi vẫn đang thu thập mọi bằng chứng liên quan để nhờ pháp luật xử lý", nghệ sĩ cho biết.
Chiều cùng ngày, nghệ sĩ Mạnh Cường cho biết ông cũng bị cắt ghép hình ảnh, lồng giọng vào video quảng cáo thực phẩm chức năng nói trên. "Thậm chí, tôi biết còn một số quảng cáo khác cũng lấy hình ảnh của tôi như thế. Không chỉ tôi mà nhiều nghệ sĩ rơi vào tình trạng này. Biết vậy nhưng tôi không làm gì được", nghệ sĩ Mạnh Cường nói.
Gần đây, nhiều nghệ sĩ cho biết bị ghép ảnh, video để tung tin giả trên mạng xã hội. Tháng 12/2022, nghệ sĩ Lệ Thủy bị ghép giọng của một người khác trên hơn 10 kênh YouTube nhằm mục đích ca ngợi tịnh thất Bồng Lai.
Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, đã cảnh báo nhiều nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng đã cắt ghép hình ảnh thầy thuốc, nghệ sĩ, ca sĩ đánh lừa người tiêu dùng. Nhiều chiêu trò khiến người dùng hiểu nhầm về công dụng sản phẩm, thậm chí nhầm thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh. Theo Cục trưởng, các chiêu trò ngày càng tinh vi, dễ khiến người dùng mắc bẫy.
Trong một buổi gặp gỡ báo chí, ông Lê Cao Sĩ - chuyên viên Phòng thông tin điện tử của Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM - cho biết các mạng xã hội nước ngoài đều chưa có đại diện pháp lý tại Việt Nam. Cơ quan thường phải làm việc qua Bộ Thông Tin và Truyền thông để đề nghị các nhà mạng thắt chặt. Tuy nhiên, với trường hợp đăng tin giả, đơn vị chỉ phạt hành chính, khó xử lý hình sự. Thanh tra Sở thường phải tìm chủ tài khoản để mời làm việc hoặc liên lạc với YouTube để xóa kênh.
Theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội), mức phạt trung bình là 7,5 triệu đồng đối với cá nhân, 14 triệu đồng đối với tập thể.
Quyền Linh tên thật là Mai Huyền Linh, sinh năm 1969. Thập niên 1990, anh ghi dấu qua các phim Người Hà Nội (1995), Những nẻo đường phù sa (1997), Đồng tiền xương máu (1999), Giao thời (2000). Những năm gần đây, anh chuyển sang làm MC cho các chương trình Vượt lên chính mình, Bạn muốn hẹn hò...Anh kết hôn năm 2005 với Dạ Thảo, có hai con gái, tên thân mật là Lọ Lem và Hạt Dẻ.
Nghệ sĩ Mạnh Cường sinh năm 1960, nổi tiếng qua các tác phẩm truyền hình như Người Hà Nội, Con nhện xanh, Không còn gì để nói.
Mai Nhật