"Lợi dụng hình ảnh y bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên để quảng cáo thực phẩm chức năng là vi phạm pháp luật, cần được xử lý", ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn Thực phẩm, nói tại Hội thảo phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam, ngày 20/12.
Ông cho rằng chiêu trò này khiến người dùng hiểu nhầm về công dụng sản phẩm, thậm chí nhầm thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh. "Các chiêu trò ngày càng tinh vi, dễ khiến người dùng mắc bẫy", ông Phong nói.
GS. TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết ông ngỡ ngàng khi thấy hình ảnh của mình bị ghép vào nội dung quảng cáo thuốc chữa huyết áp đăng trên mạng xã hội, được giới thiệu là "Trưởng khoa tim mạch mách cách chữa bệnh tăng huyết áp". Ông đọc quảng cáo thuốc, đánh giá thông tin này không được kiểm chứng, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và tác dụng.
"Là một thầy thuốc thuộc lĩnh vực chuyên môn sâu, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, tôi không bao giờ tham gia quảng cáo cho bất cứ loại thuốc, thực phẩm chức năng, vật tư y tế... nào, của bất cứ hãng sản xuất nào", ông Giang chia sẻ và khuyên mọi người tuyệt đối không tin, mua, sử dụng các sản phẩm này, nguy cơ nguy hiểm tính mạng.
Ông Giang nói công tác chẩn đoán và điều trị bệnh liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Đây là chuyên môn của thầy thuốc được đào tạo bài bản, có kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu. Do đó người dân không nên tự chữa bệnh theo "thông tin trên mạng".
Thực phẩm chức năng xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ những năm 2000. Các chuyên gia cho biết, ban đầu, phần lớn sản phẩm được nhập khẩu, số sản xuất trong nước rất ít, đếm trên đầu ngón tay. Sau 20 năm, thị trường này phát triển nhanh, số lượng sản phẩm đăng ký mới hàng năm lên tới hàng chục nghìn, trên 70% được sản xuất trong nước. Người biết và sử dụng thực phẩm chức năng tăng lên hơn 60%.
Theo ông Phong, Bộ Y tế nhìn nhận thời gian qua tồn tại nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, trong đó sử dụng trái phép hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng, cơ quan báo chí, truyền hình uy tín.
Ngoài ra, những vi phạm thường gặp là quảng cáo như thuốc chữa bệnh, thần dược; quảng cáo khi chưa được xác nhận nội dung của cơ quan có thẩm quyền; quảng cáo không đúng bản chất sản phẩm...
"Một số đơn vị thuê địa điểm, cho nhân viên gọi điện thoại, giả danh bác sĩ, dược sĩ tư vấn bệnh, dọa dẫm khách hàng để giới thiệu liệu trình điều trị bệnh, thực tế là bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe", ông Phong nói.
Để quản lý thị trường thực phẩm chức năng, các chuyên gia cho rằng Bộ Y tế và các Bộ, ngành, doanh nghiệp phải chung tay chống thực phẩm chức năng giả, tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, sản phẩm kém chất lượng; xây dựng cơ sở đánh giá, xác minh nhanh độ thật - giả sản phẩm lưu thông trên thị trường...
Lê Nga