Chiều 19/12, tại cuộc gặp ở Trung tâm Báo chí TP HCM, nghệ sĩ Lệ Thủy cho biết bà bị giả mạo trên hơn 10 kênh YouTube. Các video nội dung "Nghệ sĩ Lệ Thủy hát tặng Thiền am bên bờ vũ trụ (tịnh thất Bồng Lai)", "Lệ Thủy hát tặng thầy ông nội"..., do nhiều kênh Nam Râu, Hieu Phan, Quang PH... đăng tải, thu hút hàng chục nghìn lượt xem, hàng trăm bình luận. Theo Lệ Thủy, giọng hát trong các video này là một người nghiệp dư giả theo lối hát, âm sắc của bà.
Khi các video lan truyền, nhiều đồng nghiệp, người quen liên lạc hỏi về sự việc. Bà hoang mang, cuộc sống xáo trộn vì bị nhiều người hâm mộ trách móc, bình luận tiêu cực, cho rằng bà liên quan đến tịnh thất Bồng Lai - nhóm cá nhân bị cáo buộc lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước.
Tuổi cao, không am hiểu công nghệ, Lệ Thủy nhờ con trai - ca sĩ Dương Đình Trí - lên fanpage đính chính. Lệ Thủy nói: "Tôi sốc trước sự việc. Vài năm qua, tôi hạn chế ca hát vì chỉ muốn bình yên, dần lui vào hậu trường để không dính thị phi. Tôi sợ về lâu dài mình và người thân liên lụy khi bị các cá nhân, tổ chức đặt điều trắng trợn như thế".
Ông Nguyễn Tấn Cang - Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông TP HCM - cho biết sau khi tiếp nhận đơn phản ánh của nghệ sĩ Lệ Thủy, đơn vị đã rà soát các kênh YouTube đăng thông tin giả mạo. Sở phát hiện một số kênh đã gỡ video, tuy nhiên nhiều kênh vẫn giữ nội dung. Hiện Sở tiếp tục rà soát để xử lý theo quy định. Theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội), mức phạt trung bình là 7,5 triệu đồng đối với cá nhân, 14 triệu đồng đối với tập thể.
Ông Lê Cao Sĩ - chuyên viên Phòng thông tin điện tử của Sở - cho biết đơn vị đang tăng cường rà soát tin giả trên mạng xã hội. Theo ông Sĩ, các mạng xã hội nước ngoài đều chưa có đại diện pháp lý tại Việt Nam. Cơ quan thường phải làm việc qua Bộ Thông Tin và Truyền thông để đề nghị các nhà mạng thắt chặt. Tuy nhiên, với trường hợp đăng tin giả, đơn vị chỉ phạt hành chính, khó xử lý hình sự. Thanh tra Sở thường phải tìm chủ tài khoản để mời làm việc hoặc liên lạc với YouTube để xóa kênh.
"Sắp tới, cơ quan quản lý sẽ đàm phán để đề nghị các mạng xã hội quốc tế đặt máy chủ tại Việt Nam, từ đó dễ xử lý cá nhân sai phạm. Chúng tôi cũng thành lập các kênh báo tin giả để gửi về Sở", ông Sĩ nói.
Nghệ sĩ Lệ Thủy sinh năm 1948 tại Vĩnh Long. Hoàn cảnh khó khăn, bà từng theo bố mẹ lên Sài Gòn kiếm sống và xin làm việc ở gánh Trâm Vàng (Đồng Nai) khi mới 10 tuổi. Lệ Thủy được hâm mộ qua các tuồng Tô Ánh Nguyệt, Pha lê và cát bụi, Đời cô Lựu, Đêm lạnh chùa hoang, Lá sầu riêng... Bà thành công khi kết hợp với nhiều kép như: Thanh Hải, Minh Phụng, Thanh Tuấn, Minh Vương, Chí Tâm, Châu Thanh... Năm 2012, bà được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Vụ án tịnh thất Bồng Lai (đã đổi thành Thiền am bên bờ Vũ Trụ) gây xôn xao dư luận thời gian qua. Theo án sơ thẩm, từ năm 2019 đến 2021, ông Lê Tùng Vân đã chỉ đạo những người ở tịnh thất gồm Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên lập tài khoản YouTube 5 Chú Tiểu - Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ và Nhất Nguyên - Hoàn Nguyên Official. Các bị cáo đã quay phim, dàn dựng, đăng nhiều video có nội dung ảnh hưởng không tốt đến dư luận, thông tin sai sự thật; xúc phạm danh dự uy tín tập thể, cá nhân, trực tiếp xâm phạm đến Công an huyện Đức Hòa, Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, thượng tọa Thích Nhật Từ.
Hôm 3/11, TAND tỉnh Long An bác kháng cáo kêu oan, tuyên y án 5 năm tù đối với ông Lê Tùng Vân, 90 tuổi, về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Các bị cáo còn lại cũng bị giữ nguyên mức án 3-4 năm cùng về cùng tội danh.
Mai Nhật