Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngày 28/8 thông báo từ chức với lý do sức khoẻ yếu và không muốn bệnh tật ảnh hưởng đến các quyết sách quan trọng. Quyết định của Thủ tướng Abe được cho là sẽ mở ra một đấu trường cạnh tranh quyết liệt của các chính trị gia muốn trở thành người kế nhiệm ông.
Thủ tướng Abe, lãnh đạo tại vị lâu nhất của Nhật, từng phải từ chức vào tháng 9/2007, sau một năm nắm quyền vì viêm loét đại tràng mạn tính. Ông tiếp tục tranh cử và trở thành thủ tướng từ năm 2012 đến nay nhưng vẫn dùng thuốc điều trị bệnh. Nếu không phải từ chức sớm, nhiệm kỳ của ông sẽ kéo dài tới tháng 9/2021.
Abe rời ghế thủ tướng khi chưa có người kế nhiệm rõ ràng và giữa lúc Nhật Bản đang chìm trong khủng hoảng vì kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19.
Những người ôm hy vọng thay thế ông đã có những động thái đầu tiên, trong đó hai ứng viên công bố ý định trở thành người kế nhiệm trước cả khi Abe đưa ra thông báo chính thức về việc từ chức.
Con đường dẫn tới chức thủ tướng Nhật Bản chủ yếu đi qua đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Ngoại trừ hai thời kỳ gián đoạn 1993-1994 và 2009-2012, đảng này đã điều hành đất nước trong phần lớn lịch sử Nhật Bản thời hậu chiến. Cùng với đảng đồng minh Komeito, họ nắm quyền kiểm soát quốc hội Nhật Bản.
Những người có nguyện vọng trở thành thủ tướng trước tiên cần giành được ghế chủ tịch đảng LDP. Trong trường hợp bình thường, điều đó có nghĩa họ phải giành chiến thắng trong một cuộc bỏ phiếu mở rộng, với một nửa quyền bỏ phiếu thuộc về hơn một triệu đảng viên, nửa còn lại dành cho các nhà lập pháp của đảng.
Nhưng vì Thủ tướng Abe từ chức vào giữa nhiệm kỳ, LDP phải có một lựa chọn khác, nhanh hơn. Trong trường hợp khẩn cấp, cuộc bỏ phiếu được tổ chức hạn chế, với thành phần là các thành viên của đảng trong quốc hội cùng ba đại diện từ mỗi tỉnh trong 47 tỉnh của Nhật, với tổng cộng 535 cử tri.
Tổng thư ký LDP Toshihiro Nikai hôm qua cho biết chưa có quyết định nào được đưa ra liên quan đến việc chọn tân chủ tịch đảng. "Chúng tôi muốn một kết quả đạt được theo cách mà tất cả các thành viên trong đảng đều đồng thuận", ông nói và thêm rằng "nếu có nhiều thời gian, lẽ dĩ nhiên, chúng tôi sẽ nghĩ đến việc tổ chức một cuộc bỏ phiếu mở rộng, nhưng liệu chúng ta có thể làm được hay không, tôi sẽ đưa ra quyết định sau khi nghe ý kiến của tất cả mọi người".
Giới phân tích nhận định LDP nhiều khả năng sẽ chọn phương án bỏ phiếu khẩn cấp. Trong trường hợp này, ứng viên chiến thắng sẽ là người có cách vận động hậu trường khôn khéo nhất.
Tổng thư ký Nikai có thể thích phương án khẩn cấp bởi ông muốn có nhiều quyền lực hơn trong quá trình lựa chọn tân chủ tịch LDP, theo Jiro Yamaguchi, giáo sư chính trị tại Đại học Hosei, Nhật Bản. Tổng thư ký muốn "chặn đứng tiếng nói của những thành viên có vai vế trong đảng".
Trong trường hợp một cuộc bỏ phiếu thông thường được tổ chức, ứng viên phải giành đa số phiếu bầu để chiến thắng. Nếu không ai giành được đa số, hai người có nhiều phiếu bầu nhất sẽ đối đầu trực tiếp với nhau.
Năm 2012, Thủ tướng Abe đã giành chiến thắng trong một cuộc đua như vậy trước ứng viên độc lập Shigeru Ishiba. Ishiba được đánh giá là ứng viên hàng đầu cho ghế chủ tịch đảng nếu LDP tổ chức bầu cử mở rộng.
Khi cuộc bỏ phiếu trong đảng kết thúc, quốc hội sẽ bỏ phiếu bầu thủ tướng. Điều này đồng nghĩa với việc Thủ tướng Abe phải triệu tập một phiên họp bất thường của quốc hội, nơi ông chính thức tuyên bố từ chức. Phiên họp này có thể diễn ra vào tháng 9 nếu LDP nhanh chóng chọn được chủ tịch mới của đảng.
Hiện tại, ưu thế về số lượng giúp LDP đảm bảo được rằng chủ tịch đương nhiệm của đảng sẽ trở thành thủ tướng. Phe đối lập không có cách nào để phản đối quyết định trên.
Câu hỏi đặt ra là nhiệm kỳ của tân thủ tướng sẽ kéo dài bao lâu. Trước khi Abe nhậm chức, Nhật Bản đã trải qua 6 đời thủ tướng trong vòng 6 năm. Bản thân Abe là một trong số đó, ông từng đảm nhận ghế thủ tướng từ năm 2006 đến 2007, sau đó từ chức và trở lại vị trí vào năm 2012.
Theo các quy định đảng cầm quyền đề ra, tân chủ tịch LDP đủ điều kiện để đảm nhận phần còn lại nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe, sau đó tiếp tục tìm kiếm cơ hội tái đắc cử tối đa ba lần, mở ra cơ hội cho người chiến thắng đánh bại kỷ lục tại nhiệm lâu nhất mà Abe đang nắm giữ.
Nhưng với biến động nhanh chóng cả ở trong và ngoài nước, thủ tướng mới của Nhật Bản chắc chắn sẽ gặp rất nhiều thách thức khi muốn duy trì quyền lực, Daniel Sneider, chuyên gia về chính trị Nhật Bản tại Đại học Stanford, nhận định. "Bất kể ai là thủ tướng tiếp theo, chúng ta có lẽ sẽ nhìn thấy một chính phủ không mạnh như thời Abe", ông bình luận.
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)