Nội dung trên được nêu trong thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII) vừa được Văn phòng Chính phủ phát ra.
Theo đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công Thương nghiên cứu, hoàn thiện các phương án cơ cấu nguồn điện phù hợp đến năm 2045 trên cơ sở cập nhật giải pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như cam kết của Thủ tướng tại hội nghị COP 26.
Với điện than, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu rà soát lại quy hoạch nguồn điện này sau năm 2030 theo hướng chuyển đổi nhiên liệu hoặc không tiếp tục phát triển nếu dự án không có các ràng buộc, có nguy cơ gây thiệt hại về kinh tế.
Quy hoạch điện VIII cũng cần tính toán, tăng thêm quy mô và nghiên cứu cơ chế phát triển điện gió ngoài khơi.
Còn nguồn điện mặt trời, nhà chức trách cần đưa ra chính sách, giải pháp cho giai đoạn phát triển tiếp theo, trong đó có giải pháp công nghệ lưu trữ điện.
Bộ Công Thương cũng được yêu cầu xác định rõ tiêu chí các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư các giai đoạn quy hoạch nhằm công khai, minh bạch và khả thi. Phương án quy hoạch theo kịch bản cao và cơ sở cũng cần làm rõ trong dự thảo mới. "Quy hoạch cần đưa ra các cơ chế quản lý để thực hiện hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện", văn bản kết luận của Phó thủ tướng nêu.
Quy hoạch điện VIII được Bộ Công Thương trình Chính phủ dự thảo lần đầu vào tháng 3 năm nay, và hiện đã qua 3 lần chỉnh sửa. Ở phương án tính toán vào tháng 11, quy mô nguồn điện đến năm 2030 có tổng công suất hơn 155 GW, trong đó công suất nguồn than giảm hơn 24.000 MW đến năm 2030 và khoảng 36.000 đến 2045.
Cơ cấu nguồn điện phù hợp hơn, giảm năng lượng hoá thạch, tăng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đặc biệt là có phương án tăng điện gió trong tổng cơ cấu. Điều này phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP 26 về giảm phát thải carbon, bảo vệ môi trường.
Anh Minh