Đề nghị này được Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) nêu trong văn bản gửi Chính phủ, các bộ, ngành về phát triển ngành điện đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
So với mức công suất đưa ra tại dự thảo quy hoạch điện VIII, thì dung lượng phát triển điện gió ngoài khơi tới năm 2030 khoảng 2.000-3.000 MW (tương đương 2-3 GW). Như vậy, VEA đưa ra đề nghị tăng mức công suất phát triển cho điện gió ngoài khơi lên khoảng 7 lần so với dự thảo quy hoạch điện VIII.
Lý giải kiến nghị này, theo Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi, điện gió ngoài khơi có nhiều ưu việt, chẳng hạn tốc độ gió lớn trên 10 m trên giây, lượng gió quanh năm từ 5.000 giờ trở lên. Các dự án điện gió ngoài khơi có thể lắp được turbin lớn, công suất trên 10 MW và tạo ra lượng điện lên tới hàng tỷ kWh mỗi năm. Hiện thế giới cũng đang tập trung phát triển loại hình năng lượng này là chính.
Ngoài lợi thế về sản lượng, theo VEA, cùng với công nghệ thì giá các dự án điện gió ngoài khơi sẽ giảm dần, từ 7,69 cent một kWh năm 2020 xuống còn 6,94 cent vào 2030 và giảm về 5,82 cent mỗi kWh vào năm 2050.
"Nếu Việt Nam đầu tư thành công một dự án điện gió ngoài khơi, sẽ rút ra được nhiều bài học quý giá", ông Ngãi nêu.
Đề xuất nâng công suất điện gió ngoài khơi trong dự thảo quy hoạch điện VIII từng được nhiều tổ chức quốc tế đề cập. Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) khuyến nghị Việt Nam nên tăng công suất điện gió ngoài khơi lên 10 GW đến năm 2030, nhằm tận dụng tiềm năng sẵn có. Mặt khác, chỉ có dự án quy mô lớn mới đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.
Tại cuộc họp trực tuyến tuần trước, bà Liming Quiao - Giám đốc khu vực Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) phân tích, điểm mạnh của điện gió ngoài khơi là hiệu suất cao, khoảng 29-52%, gấp đôi điện mặt trời, cao hơn điện gió trên bờ và tương đương điện khí.
Cùng với công nghệ mới, theo bà Liming Quiao, hiệu suất của điện gió ngoài khơi tăng thêm 2,5% mỗi năm, nên loại năng lượng này có thể chạy phụ tải nền với nguồn khá ổn định, nhu cầu điều tiết điện lực bù cho thay đổi công suất là rất thấp.
Suất đầu tư điện gió ngoài khơi đang giảm dần cùng công nghệ hiện đại, nhưng bà Liming Quiao lưu ý, giá sản xuất điện gió ngoài khơi chỉ giảm khi thị trường đạt tới công suất lắp đặt nhất định. "Việt Nam nên tận dụng cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi nhanh nhất để có thể đạt mục tiêu giảm chi phí sản xuất điện", Giám đốc khu vực châu Á GWEC nói.
Liên quan tới phát triển các nguồn điện sơ cấp, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam lưu ý, cân đối nguồn và sản lượng tới đây thì nên lấy nguồn điện chính thống làm gốc. Năng lượng tái tạo ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi, còn điện gió trên bờ, điện mặt trời cần cân nhắc phát triển một tỷ lệ hợp lý đến năm 2030.
Trong đó, các dự án điện gió trên bờ, điện mặt trời cần phân bổ hợp lý theo khu vực, cân đối với công suất hiện tại, tránh gây quá tải lưới điện khi tập trung vào một vài khu vực.
Cơ quan quản lý cũng cần đưa ra tiêu chuẩn chất lượng tấm pin mặt trời, ít nhất tuổi thọ 25-30 năm, tránh việc các tấm pin chất lượng kém, tuổi thọ ngắn, gây nguy hại cho môi trường khi hàng tỷ tấm pin mặt trời được thải ra.
Đến cuối tháng 4, có khoảng 9.200 MW điện mặt trời trang trại, 9.583 MW điện mặt trời áp mái và 612 MW điện gió vận hành. Dự kiến số lượng dự án điện gió đưa vào vận hành sẽ tăng nhanh từ nay đến cuối năm, với công suất khoảng 4.500-5.400 MW.
Anh Minh