Bố mẹ Aya đồng ý cho hai bên kết hôn để gia đình họ tránh được "bê bối" và để nam thanh niên kia không phải ngồi tù. Nhưng sau nhiều tháng bị chồng bạo hành, Aya không thể tiếp tục chịu đựng. Cô đệ đơn ly hôn.
"Hắn ta rõ ràng chỉ muốn kết hôn để không phải ngồi tù", Aya viết trong lá thư ẩn danh gửi tới Quốc hội Jordan, một quốc gia ở Trung Đông.
Quy định pháp lý giúp nam thanh niên cưỡng hiếp Aya không phải ngồi tù là điều 308 Luật Hình sự Jordan. Điều khoản này quy định kẻ tấn công tình dục có thể tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cưới nạn nhân. Kẻ tấn công phải chấp hành án nếu cuộc hôn nhân kết thúc sau chưa đầy ba năm.
Được gọi chung là luật "cưới kẻ hiếp dâm", dạng quy định này cho phép người hiếp dâm, tấn công tình dục, giao cấu với trẻ em, bắt cóc, hoặc phạm tội danh tương tự được hủy án nếu cưới nạn nhân. Trong một vài trường hợp, người phạm tội chỉ cần xin cưới cũng có thể được miễn tội, kể cả khi không được nạn nhân chấp thuận.
Theo tiến sĩ Catherine Warrick, thuộc Đại học Villanova (Mỹ), luật "cưới kẻ hiếp dâm" xuất phát từ quan niệm coi trọng sự trinh tiết của phụ nữ. Ở một số nơi, người phụ nữ không còn trong trắng trước hôn nhân còn có thể bị coi là "hàng lỗi" và không có khả năng tìm chồng. Vì thế, người ủng hộ luật "cưới kẻ hiếp dâm" cho rằng nếu hai bên kết hôn, nạn nhân vừa bảo toàn danh dự gia đình, vừa tránh được cảnh bị dị nghị.
Nhưng theo người phản đối luật "cưới kẻ hiếp dâm", nạn nhân bị xâm hại không nên cảm thấy mình có lỗi và cũng không nên bị buộc phải dùng hôn nhân để che giấu sự việc. Từ góc độ này, luật "cưới kẻ hiếp dâm" bị cho là khoan dung với tội phạm cưỡng hiếp và càng làm nạn nhân bị tổn thương.
Từ cuối thập niên 1990 tới nay, các nước từng có luật "cưới kẻ hiếp dâm" dần bãi bỏ quy định này. Theo The New York Times, năm 1997, 15 quốc gia Mỹ La-tinh từng có luật "cưới kẻ hiếp dâm" và đến năm 2017, 11 trong 15 quốc gia đã hủy luật này.
Những quốc gia khác cũng có động thái tương tự. Năm 2012, Amina Filali, thiếu nữ Morocco 16 tuổi, tự tử sau khi bị ép cưới kẻ hiếp dâm lớn hơn mình 10 tuổi. Trước phản ứng dữ dội của người dân, hai năm sau, luật "cưới kẻ hiếp dâm" của Morocco bị bãi bỏ.
Năm 2017, khoảng ba năm sau khi Aya công bố lá thư, Quốc hội Jordan bỏ phiếu bãi bỏ điều 308 Luật Hình sự, qua đó xóa bỏ luật "cưới kẻ hiếp dâm". Sự thay đổi này được Thượng viện và Quốc vương Jordan chấp thuận. Gần như cùng lúc với Jordan, một số các nước khác cũng lần lượt bãi bỏ luật "cưới kẻ hiếp dâm" của mình.
Hiện, trên thế giới vẫn còn 20 quốc gia có luật "cưới kẻ hiếp dâm" theo báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2021, được Quỹ Dân số Liên Hợp quốc công bố ngày 14/4.
*Tên nạn nhân đã được thay đổi
Quốc Đạt (Theo The Guardian, The New York Times)