Con trai của Tiffany được sinh ra do cô bị thanh niên 18 tuổi hiếp dâm tại bang Michigan khi mới 12 tuổi. Khi biết tin mình có thai, Tiffany quyết không phá bỏ vì "đứa bé không có tội".
Kẻ hiếp dâm sau đó thỏa thuận nhận tội "Cố gắng hiếp dâm" (nhẹ hơn tội hiếp dâm) và chỉ bị tuyên án hai năm tù, được ra tù sau chưa đầy một năm.
Khi Tiffany xin hưởng trợ cấp vào năm 2017, thẩm phán không xem xét kỹ mà lập tức trao cho kẻ hiếp dâm quyền nuôi con chung, đồng thời buộc Tiffany phải sống trong bán kính 100 dặm với hắn. Vị thẩm phán còn công khai địa chỉ của Tiffany với kẻ hiếp dâm và yêu cầu phải thêm họ của cha vào giấy khai sinh con.
Chỉ khi câu chuyện của Tiffany được truyền thông chú ý tới, thẩm phán mới hủy quyết định trao quyền nuôi con chung cho kẻ hiếp dâm vì ông "không biết sự việc".
Cuộc chiến pháp lý của Tiffany để ngăn kẻ hiếp dâm có quyền nuôi con chung không phải câu chuyện hiếm gặp tại Mỹ. Theo thống kê, mỗi năm quốc gia này có 17.000-32.000 phụ nữ có thai do bị hiếp dâm, một phần ba trong số đó quyết định giữ lại đứa bé. Những người này có thể bị buộc phải chia sẻ quyền nuôi con với kẻ gây án vì hơn một phần ba số bang tại Mỹ chỉ tước quyền nuôi con của kẻ gây án trừ phi có bản án kết tội hiếp dâm ở mức độ nghiêm trọng.
Tuy nhiên, để có bản án kết tội hiếp dâm mức độ nghiêm trọng trong thực tế không phải điều đơn giản vì nhiều vụ hiếp dâm không được nạn nhân trình báo. Hơn nữa, số vụ hiếp dâm mà trong đó kẻ gây án bị kết tội ở mức độ nghiêm trọng chỉ chiếm dưới 1%. Trong một số trường hợp, kẻ gây án thường đe dọa sẽ xin quyền nuôi con chung để ép buộc nạn nhân rút đơn tố cáo.
Ngoài ra, vì khối lượng công việc quá tải, công tố viên thường mau chóng cho nghi phạm hiếp dâm được thỏa thuận nhận tội nhẹ hơn để đóng hồ sơ nhanh nhất có thể. Ví dụ, trường hợp của Noemi Martinez bị đồng nghiệp hiếp dâm và có thai tại bang Nebraska vào năm 2011. Dù nghi phạm thừa nhận có hành vi giao cấu, công tố viên và thẩm phán vẫn cho phép hắn được thỏa thuận nhận tội Tấn công tình dục cấp độ III, vốn được coi là tội ít nghiêm trọng. Kẻ gây án sau đó vẫn được trao quyền nuôi con chung.
Với những nạn nhân hiếp dâm, việc bị buộc chia sẻ quyền nuôi con, phải chạm mặt kẻ đã hiếp dâm mình quả là điều tủi nhục, gây tổn thương tinh thần và tâm lý cực độ.
Để lấp lỗ hổng pháp luật, năm 2015, Tổng thống Barack Obama đã ký ban hành Luật Quyền nuôi con của người sống sót sau hiếp dâm để hối thúc các bang ra quy định tước quyền nuôi con của người bố khi có bằng chứng "rõ ràng và thuyết phục" về hành vi hiếp dâm.
Với luật trên, chỉ cần có nhiều khả năng hành vi tấn công tình dục xảy ra là đủ để tước quyền nuôi con, không cần thiết phải có bản án kết tội, vốn yêu cầu bằng chứng phạm tội "không thể nghi ngờ hợp lý gì nữa". Bang nào làm theo sẽ được hưởng thêm ngân sách liên bang cho chương trình ngăn ngừa bạo lực.
Nhờ có sự vận động của các nhà hoạt động vì quyền lợi nạn nhân, một nửa số tiểu bang hiện sử dụng tiêu chuẩn bằng chứng "rõ ràng và thuyết phục" trong những vụ tranh chấp quyền nuôi con sinh ra từ hiếp dâm.
Ví dụ, bang Connecticut từ năm 2016 không yêu cầu có bản án kết tội tấn công tình dục mà chỉ cần có bằng chứng "rõ ràng và thuyết phục" là đủ để tòa án tước quyền nuôi con của kẻ hiếp dâm. Một số bang khác cũng có điều luật tương tự như Florida, Georgia, Hawaii, Indiana, Iowa...
Tại những bang vẫn tồn tại lỗ hổng pháp luật như Kentucky, Ohio, Michigan,... các nhà hoạt động vẫn đang hối thúc nhà lập pháp điều chỉnh quy định. Tại bang Michigan, Tiffany và luật sư đang vận động soạn thảo "Đạo luật Nạn nhân mang thai" vì hiếp dâm nhằm cấm thẩm phán phê duyệt thỏa thuận nhận tội tấn công tình dục ở mức độ nhẹ hơn nếu nạn nhân mang thai.
Quốc Đạt (Theo Mother Jones, NCSL, Al.com)