Nghị định 100/2019 quy định phạt 800.000-1.000.000 đồng với hành vi "lùi xe không quan sát hoặc không có tín hiệu báo trước". Vậy "tín hiệu báo trước" được hiểu là gì, có phải là đèn xi-nhan hay đèn khẩn cấp hay không, hay là loại tín hiệu nào khác?". Luật sư Đặng Thanh Chung, đoàn luật sư Hà Nội cho biết:
Tại Điều 16, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định như sau:
"Điều 16. Lùi xe:
1. Khi lùi xe, người điều khiển phải quan sát phía sau, có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi.
2. Không được lùi xe ở khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, trong hầm đường bộ, đường cao tốc."
Theo quy định này, khi lùi xe, người điều khiển xe phải có tín hiệu cần thiết báo lùi. Còn tại Nghị định 100/2019 thì quy định khi lùi xe, người điều khiển xe phải có tín hiệu báo trước. Mặc dù ngôn từ khác nhau nhưng đều thống nhất rằng khi thực hiện lùi xe, người điều khiển phương tiện phải có tín hiệu thông báo việc lùi xe của mình để những người xung quanh biết, tránh tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay Luật Giao thông đường bộ hay Nghị định 100/2019 và những văn bản pháp luật liên quan đều chưa định nghĩa thế nào là tín hiệu báo trước, tín hiệu cần thiết.
Đối với tín hiệu đèn khẩn cấp: hiện nay pháp luật chưa có quy định về loại đèn tín hiệu này. Việc sử dụng tín hiệu đèn khẩn cấp hoàn toàn theo hướng dẫn của các hãng xe. Cụ thể: đèn khẩn cấp chỉ nên sử dụng khi xe gặp sự cố đang di chuyển hay phải đỗ trên đường, lái xe cần bật đèn khẩn cấp để các tài xế khác chú ý, chủ động tránh xe để không xảy ra va chạm. Bên cạnh đó, đèn khẩn cấp cũng có tác dụng thu hút sự chú ý và giúp đỡ của những lái xe hay người đi đường khác khi xe đang di chuyển mà gặp trục trặc. Khi di chuyển trong thời tiết xấu như: mưa lớn, sương mù dày đặc sẽ làm tầm nhìn của lái xe bị hạn chế.
Việc bật đèn cảnh báo sẽ giúp các lái xe khác di chuyển chậm lại hoặc cân nhắc kỹ càng hơn khi có ý định vượt qua xe bạn. Một trường hợp nữa cũng được khá nhiều người đồng tình khi sử dụng đèn khẩn cấp là việc lái xe di chuyển chậm qua khu vực có xảy ra tai nạn hoặc chở người đi cấp cứu. Với những thông tin nêu trên, lái xe nên cân nhắc để sử dụng đúng những tính năng của đèn cảnh báo khẩn cấp phù hợp với hoàn cảnh xảy ra.
Đối với tín hiệu đèn xi-nhan: theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, các trường hợp phải dùng tín hiệu đèn xi-nhan bao gồm:
- Chuyển làn đường
- Rẽ phải, rẽ trái, quay đầu
- Vượt xe khác
- Cho xe chuyển bánh từ vị trí đậu, hoặc chạy vào sát vỉa hè để dừng, đậu xe.
Ngoài ra trong quá trình tham gia giao thông, theo khuyến nghị đăng trên trang trả lời tư vấn của Cục cảnh sát giao thông có những trường hợp nên bật đèn xi-nhan để đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp việc lưu thông trên đường thuận tiện hơn. Những trường hợp đó cụ thể như sau: khi đi qua vòng xuyến; khi đi theo đường cong (không phải ngã rẽ, chuyển hướng, chuyển làn); khi lùi theo đường cong, ví dụ như lùi vào ngõ; khi lùi theo đường cong, ví dụ như lùi vào ngõ. Đây là những tình huống khuyến cáo bật xi-nhan, chứ không phải bắt buộc.
Do đó, trong trường hợp lùi xe, nếu hiểu quy định tín hiệu báo trước khi lùi xe theo các quy phạm pháp luật hiện hành thì chỉ có thể hiểu đó là tín hiệu xi-nhan.
Đây là quy định chưa rõ ràng nên Cơ quan có thẩm quyền ( ở đây là Bộ Công an) nên có văn bản quy định để hướng dẫn cụ thể cho người tham gia giao thông biết để thực hiện.
Luật sư Đặng Thanh Chung
Đoàn luật sư Hà Nội