Siddiqui, 42 tuổi, được mệnh danh là "quý bà Al-Qeada", bị bắt năm 2008 và kết án 86 năm tù vì tội âm mưu giết người, từng mang theo những tài liệu liên quan đến mưu đồ khủng bố hàng loạt bằng bom bẩn và vi trùng.
Đầu tuần này, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đòi chính phủ Mỹ trả 6,6 triệu USD và trả tự do cho Siddiqui, để đổi lấy mạng của một nhân viên thiện nguyện nữ người Mỹ 26 tuổi đang bị chúng bắt làm con tin.
Trước đó, trong bức email IS gửi cho gia đình nhà báo bị hành quyết James Foley, tổ chức này cũng đưa ra yêu sách tương tự. "Chúng ta đề nghị việc trao đổi tù binh để đổi lấy những người Hồi giáo hiện đang bị các ngươi giam giữ, ví như người em gái của chúng ta, tiến sĩ Aafia Sidiqqui", phiến quân Hồi giáo viết.
Aafia Siddiqui sinh trưởng tại thành phố Karachi, Pakistan, đến Mỹ vào năm 1990 để theo học Viện Công nghệ Massachusetts. Bà nhận bằng tiến sĩ thần kinh học tại Đại học Brandeis. Trong thời gian học tập và nghiên cứu, Siddiqui đã gây quỹ cho các nạn nhân Hồi giáo ở Bosnia, phân phát các bản sao kinh Koran và điều hành một tổ chức phi chính phủ mang tên Nhóm Nghiên cứu và Giảng dạy Hồi giáo. Bà kết hôn theo sắp đặt của gia đình với một bác sĩ người Pakistan, Amjad Khan, vào năm 1995 và có ba người con.
Bà ta gây được sự chú ý với Ammar Al-Baluchi, một thành viên của Al Qaeda, và là cháu của Khalid Sheikh Mohammed, kẻ tự xưng là một trong các chủ mưu vụ khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001.
Theo Christopher Dickey, biên tập viên tờ The Daily Beast, Al-Baluchi nhận thấy bà là một người có học vấn kiệt xuất, và là một nhân vật có lợi cho tổ chức. Không chỉ là con gái của một nữ nghị sĩ Pakistan nổi tiếng, bà còn có nhiều mối quan hệ trong giới chính trị và tôn giáo, điều này sẽ giúp ích cho Al Qaeda.
"Các quan chức Mỹ cho biết họ lo ngại rằng Siddiqui sẽ sử dụng chuyên môn về khoa học của mình để giúp Al Qaeda sản xuất vũ khí sinh hoặc hóa học", ông Dickey viết.
Vào năm 2002, Siddiqui và chồng, Amjad Khan, bị FBI tra hỏi về những món đồ bất thường họ đặt mua qua mạng, bao gồm áo chống đạn, sách hướng dẫn quân sự, và kính nhìn ban đêm trị giá 10.000 USD. Chồng bà giải thích ông mua các thiết bị kể trên để săn bắn và cắm trại. Hai người sau đó trở về Pakistan và ly dị vào tháng 8/2002. Ông Khan đã trả lời một tờ báo của Pakistan về bà. "Tôi đã nhận thấy tính cách bạo lực và quan điểm cực đoan của Aafia, tôi nghi ngờ cô ấy có tham gia vào hoạt động jihad", ông nói.
Vào giáng sinh năm 2002, Siddiqui trở về Mỹ và ở lại đây trong 10 ngày, bà nói với chồng cũ rằng bà đến Mỹ nhằm tìm kiếm một công việc về học thuật. Tuy nhiên, FBI tuyên bố chuyến đi của bà này có liên quan đến hoạt động của Al-Qaeda, vì Siddiqui đã mở một hộp thư dưới cái tên Majid Khan, một thành viên của tổ chức khủng bố này.
Năm 2003, Siddiqui kết hôn với Al-Baluchi. Trong khi gia đình bà phủ nhận cuộc hôn nhân, cả tình báo Pakistan và Mỹ đều xác nhận đây là sự thật. Sau đó, vào đúng lúc FBI tróc nã để tra hỏi về an ninh thì Siddiqui biến mất trong 5 năm. Vào năm 2008, bà ta bị bắt ở Ghazni, Afghanistan. Cảnh sát phát hiện bà mang nhiều tài liệu mô tả cách chế tạo chất nổ, vũ khí hóa học và bom bẩn, cũng như những bản ghi chép đề cập đến các cuộc tấn công hàng loạt trên nhiều nơi ở nước Mỹ.
Mặc dù có nhiều lời kể khác nhau, các quan chức Mỹ khẳng định Siddiqui đã giật lấy một khẩu súng và bắn vào một nhân viên người Mỹ trong cuộc thẩm vấn sau khi bị bắt. Siddiqui bị kết án hồi tháng 7/2008 tại Tòa án quận miền nam New York vì tội hành hung với vũ khí sát thương và âm mưu giết nhân viên hành pháp Mỹ.
Vào năm 2010, sau hai tuần xét xử, Siddiqui bị kết án 86 năm tù với 7 tội danh, bao gồm âm mưu giết người, tấn công vũ trang, sử dụng vũ khí và hành hung nhân viên Mỹ. Luật sư biện hộ rằng bà có vấn đề tâm thần. Hiện nay, Siddiqui bị giam giữ tại Trung tâm Y tế Liên bang tại Carswell, một nhà tù ở Texas dành cho nữ phạm nhân cần điều trị tâm thần.
Trong khi đó, gia đình Siddiqui vẫn cho rằng bà vô tội. Nhiều cuộc biểu tình và bạo loạn đã nổ ra tại Pakistan vì nhiều người coi bản án dành cho Siddiqui là bất công. Vào thời điểm Siddiqui nhận án, Thủ tướng Pakistan Yousef Raza Gilani gọi bà là "người con gái của quốc gia" và kêu gọi trả tự do cho bà.
Theo Michael Semple, một chuyên gia hàng đầu về Taliban, cựu đại diện Liên minh châu Âu tại Kabul, yêu sách đòi thả Siddiqui của IS mang tính chiến thuật và chiến lược.
Về chiến thuật, điều đó cho thấy có nhiều người Hồi giáo đã di cư từ Afghanistan và Pakistan đến Iraq và Syria, họ mang theo sự thông cảm với Siddqui đến miền đất mới, ông Semple phân tích. Đòi hỏi trao đổi tù nhân này cũng cho thấy rằng IS có thể có các thành viên mới là cựu Taliban.
"Về chiến lược, việc đòi thả Siddiqui được cho là một sự nghiệp tốt trong mắt những người mà IS muốn thu hút, bởi bà ta được cho là hồng nhan bạc phận. IS đang tìm cách xúi giục người Hồi giáo lên án cái gọi là sự đàn áp của phương Tây đối với các nước Hồi giáo".
Vũ Thảo (Theo IBTimes)