Nữ con tin 26 tuổi, không được công bố danh tính, là người thứ ba trong ít nhất 4 người Mỹ đang nằm trong tay nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS hoặc ISIS), ABC News cho hay. Trước đó, nhà báo Mỹ James Foley đã bị IS hành quyết. Một con tin khác là nhà báo Steven Sotloff, xuất hiện trong đoạn video hành quyết Foley, cũng đang bị đe dọa tính mạng.
Cô gái 26 tuổi trên bị bắt cóc năm ngoái, khi đang làm việc với ba nhóm hỗ trợ nhân đạo ở Syria. Thông tin yêu cầu chuộc người từ IS được Mauri Saalakhan, thuộc Tổ chức Hòa bình và Công lý, đại diện cho gia đình nạn nhân công bố hôm 25/8.
IS yêu cầu khoản tiền chuộc 6,6 triệu USD cùng với trả tự do cho Aafia Siddiqui, một nhà thần kinh học người Pakistan có quan hệ với al-Qaeda, bị kết tội năm 2010 và tống giam ở một nhà tù tại bang Texas do có ý định tấn công quan chức Mỹ ở Afghanistan.
Các nhóm chống đối Mỹ ở Trung Đông thường xuyên đòi thả Siddiqui. Tuy nhiên, gia đình Siddiqui cho biết họ "rất quẫn trí" khi biết Siddiqui nằm trong đề nghị chuộc con tin và muốn tránh xa Nhà nước Hồi giáo (IS). Họ "rất trân trọng tình cảm chân thành từ những người mong muốn Aafia được tự do nhưng không đồng ý làm việc này 'bằng mọi cách'" và "không muốn có thêm con gái, chị em gái của bất cứ ai phải chịu đau khổ giống Aafia".
"Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng gia đình chúng tôi không có bất kỳ mối liên hệ nào với những tổ chức hay hành động như vậy", bức thư của gia đình Siddiqui viết. "Chúng tôi tin vào một cách đấu tranh hòa bình và đường hoàng. Việc gắn tên Aafia với những hành động bạo lực đi ngược lại tất cả những gì chúng tôi đang hướng tới".
Nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo đang tìm cách thiết lập một đế quốc Hồi giáo ở Iraq và Syria. Lực lượng này tấn công tàn bạo vào những người chúng cho là dị giáo hoặc ngoại đạo.
Trong bài phát biểu hôm qua ở North Carolina, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh "Mỹ sẽ không quên" và tuyên bố "công lý sẽ thực thi với kẻ giết nhà báo James Foley".
Trong báo cáo thường niên công bố tháng 11/2013, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) ở New York ước tính có ít nhất 30 nhà báo đã bị bắt cóc hoặc biến mất ở Syria, bị những nhóm cực đoan hay xã hội đen bắt cóc, dọa giết hoặc tống tiền. CPJ cho rằng có 52 nhà báo thiệt mạng kể từ khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu năm 2011 và cung cấp tư liệu cho thấy 24 nhà báo khác, từng biến mất trong năm nay, hiện đã an toàn.
Như Tâm