Sau phiên họp trù bị kéo dài một tiếng, Quốc hội sẽ khai mạc vào 9h sáng nay và làm việc liên tục cho tới ngày 21/6.
Theo thông lệ nhiều kỳ họp, ngay trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu sẽ nghe Chính phủ trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội sau đó sẽ đưa ra ý kiến thẩm tra các báo cáo này của Chính phủ.
Đại diện Mặt trận Tổ quốc sẽ trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri trước khi Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
10 dự án Luật sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 5: Luật giáo dục quốc phòng-an ninh; Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi); Luật phòng, chống khủng bố; Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật hòa giải cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh và Luật đất đai (sửa đổi). |
Trong hơn một tháng diễn ra, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, một Nghị quyết, cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 7 dự án luật khác.
Công tác nhân sự được đưa vào chương trình làm việc ngay tuần đầu tiên. 2 trường hợp cần xem xét đã được công bố đó là miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Tài chính với ông Vương Đình Huệ, đã được điều chuyển sang làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương từ đầu năm nay; và điều chuyển công việc với Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng.
Gần cuối kỳ họp, các đại biểu sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Sau hai ngày thảo luận, kết quả kiểm phiếu dự kiến được công bố ngay chiều 11/6. 49 vị thuộc diện bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này, nhưng do ông Vương Đình Huệ và Đinh Tiến Dũng đã xem xét miễn nhiệm và điều chuyển công tác từ 23/5 nên danh sách có thể rút xuống 47.
Cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng là nội dung quan trọng trong kỳ họp này. Quốc hội sẽ dành một ngày thảo luận ở tổ và hai ngày thảo luận trực tiếp tại hội trường (dự kiến vào 3-4 tháng 6). Hai buổi tại hội trường sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Trong bối cảnh kinh tế đang ngày một xấu đi, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian thảo luận, đánh giá đúng thực trạng và tìm giải pháp phù hợp vực dậy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và đảm bảo đời sống dân sinh. Dự kiến các đại biểu sẽ thông qua ngay kỳ họp này Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng. Đây là những sắc thuế quan trọng, sẽ được cân nhắc kỹ để hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Về báo cáo kinh tế - xã hội sẽ được Chính phủ trình bày trong sáng khai mạc, theo tài liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị trước, trong số 15 chỉ tiêu Quốc hội đề ra năm 2012, có 11 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch như chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở 6,81% và lần đầu tiên cả nước xuất siêu sau gần 20 năm.
Tuy nhiên, còn 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu quan trọng là tốc độ tăng GDP chỉ đạt 5,03% và tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP đạt 28,5%, thấp hơn mục tiêu 33,5% đề ra. Đáng chú ý, kết quả thực hiện chỉ tiêu GDP và tổng vốn đầu tư toàn xã hội 2012 thấp hơn con số đã báo cáo Quốc hội cuối năm ngoái.
Chính phủ cho rằng, do kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, trong nước lại phải thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là việc giảm mạnh tốc độ tăng tín dụng, thắt chặt chi tiêu ngân sách nhà nước, cắt giảm đầu tư công,…đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong khi đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhận định cần đánh giá mặt trái của việc thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Theo đó, dù Chính phủ liên tục chỉ đạo giảm lãi suất, tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhưng thực tế dư nợ tín dụng tăng quá thấp đã tác động mạnh đến tình hình khó khăn của doanh nghiệp.
Tính đến 31/12/2012, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động đến lên tới 54.261 doanh nghiệp, cao hơn năm 2011. Cả nước có tới 69% doanh nghiệp báo lỗ. Riêng thành phố Hà Nội năm 2012 có khoảng 46.000 doanh nghiệp báo lỗ khoảng 47.000 tỷ đồng .
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng lạm phát giảm thấp trong năm 2012 nhưng thực tế có thể thấp hơn nếu điều chỉnh hợp lý việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công y tế và giáo dục , hoặc duy trì CPI ổn định ở mức thấp thì có thể điều chỉnh chính sách sớm hơn như hạ lãi suất ngân hàng nhanh hơn.
Huyền Thư