Hơn 1.700 ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp, gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ năm. Ghi nhận tình hình kinh tế xã hội có những chuyển biến tích cực bước đầu, song theo hai cơ quan này, cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước thực trạng phát triển chưa bền vững của nền kinh tế.
Theo đánh giá của cử tri, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn rất khó khăn; lãi suất cho vay của ngân hàng có giảm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn vay. Từ đầu năm đến nay đã có hàng nghìn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị giải thể, phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất dẫn đến số người mất việc làm tiếp tục gia tăng. Sức mua trong quý I/2013 giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, dẫn tới hàng hóa tồn kho lớn.
"Tình trạng giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới hiện nay dẫn đến sự băn khoăn, thiếu tin tưởng của cử tri và nhân dân về năng lực của cơ quan nhà nước hữu quan trong việc quản lý điều hành thị trường vàng", theo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri.
Nghị quyết của Quốc hội cuối năm ngoái đã giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước phải kéo sát giá trong nước về với thế giới và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người nắm giữ vàng. Thời điểm đó, giá trong nước đắt hơn thế giới trên dưới 3 triệu đồng mỗi lượng.
Một trong những giải pháp Ngân hàng Nhà nước triển khai để thực hiện yêu cầu của Quốc hội là tăng cung cho thị trường, tăng cường sản xuất và tổ chức đấu thầu bán vàng cho ngân hàng, doanh nghiệp. Tuy nhiên, kể từ phiên đấu thầu đầu tiên, vào ngày 28/3, chênh lệch giá vẫn tiếp tục dãn ra ngày một lớn hơn, từ dưới 3 triệu đồng mỗi lượng hiện lên đến 6 triệu đồng. Cao điểm vào giữa tháng tư, khi giá thế giảm mạnh nhất 3 thập kỷ, khoảng cách giữa hai thị trường lên đến hơn 6,5 triệu đồng.
Ngoài nguyên nhân biến động bất thường trên thị trường thế giới, Ngân hàng Nhà nước lý giải chênh lệch chưa thể thu hẹp bởi nhu cầu còn quá lớn, bất chấp giá cao. Cơ quan này đang mong muốn giảm áp lực về cầu bằng cách hỗ trợ các ngân hàng thương mại tất toán trạng thái huy động, trả hết vàng cho dân trước 30/6. Sau thời hạn này, chênh lệch giá được kỳ vọng sẽ thu hẹp, bởi lực cầu từ ngân hàng giảm mạnh. Chênh lệch giá hiện nay, dù không mong muốn song Ngân hàng Nhà nước cho rằng ngân sách cũng được hưởng lợi.
Tuy nhiên, lý giải này của Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được sự tán đồng của số đông. Một số cơ quan của Quốc hội, Chính phủ trong tháng tư đã tổ chức hội thảo trưng cầu ý kiến các chuyên gia để tìm hiểu tình trạng chênh lệch giá.
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội kỳ họp thứ 5 này, cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, có những giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng trên; đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp lại các tập đoàn kinh tế nhà nước; tái cấu trúc các doanh nghiệp, kiên quyết giải thể các doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh thua lỗ làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước.
Tình hình sản xuất nông nghiệp còn rất nhiều khó khăn do giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, giá đầu ra một số nông sản, nhất là giá lúa giảm liên tục; thời tiết diễn biến bất thường; tình trạng giống cây, phân bón, thuốc trừ sâu giả tràn lan, không được kiểm soát gây thiệt hại lớn cho nông dân. Lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long. Đời sống của ngư dân, diêm dân cũng gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu cao, thời tiết không thuận lợi, ngư trường một số nơi bị nước ngoài đe dọa, giá cả đầu ra thấp. Tình trạng nhập lậu thuỷ sản, gia cầm, thịt gia súc rất phức tạp, vừa cạnh tranh quyết liệt với sản xuất trong nước vừa tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh rất lớn nhưng chưa được các cơ quan chức năng kiểm soát, xử lý đến nơi, đến chốn. Cử tri và nhân dân kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, ngư dân, diêm dân, để người dân yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần bảo vệ vùng biển của Tổ quốc, giữ ổn định xã hội ở địa bàn nông thôn; đồng thời có các giải pháp kiên quyết, hữu hiệu xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu. Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tiếp tục diễn ra ở các khu công nghiệp, làng nghề, vùng nông thôn; nạn phá rừng, khai thác khoáng sản bừa bãi ở một số địa phương tác động nghiêm trọng đến môi trường sống; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng; tình trạng nước biển xâm mặn, dịch bệnh, nhất là dịch cúm A diễn biến phức tạp ở một số địa phương, ảnh hưởng tới sản xuất và sức khoẻ người dân. Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh để giải quyết tình trạng trên nhằm phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ sức khỏe và đảm bảo đời sống nhân dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri khu vực nông thôn. Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã có các quyết định sửa đổi một số tiêu chí của Chương trình cho phù hợp với các địa phương. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành hướng dẫn cụ thể về nguồn kinh phí “Ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần” để xây dựng cơ sở hạ tầng; kiến nghị Nhà nước quan tâm hơn nữa đối với các địa phương nghèo trong việc thực hiện Chương trình nông thôn mới vì việc huy động vốn trong nhân dân rất khó khăn; quy định rõ vấn đề huy động mức đóng góp, tham gia của nhân dân, của doanh nghiệp trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng… để chương trình này được thực hiện có hiệu quả. (Trích báo cáo tập hợp kiến nghị cử tri tới Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII) |
Kỳ Duyên