Dự kiến, kỳ họp diễn ra trong một buổi chiều, tại Nhà Quốc hội, Hà Nội. Các trưởng đoàn sẽ họp trước khi đại biểu họp toàn thể ở hội trường Diên Hồng, từ 14h30.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong cuộc họp bất thường chiều 17/1 đã đồng ý ông Nguyễn Xuân Phúc thôi Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026, theo nguyện vọng cá nhân.
Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, do đó Quốc hội có trách nhiệm thực hiện quy trình miễn nhiệm Chủ tịch nước với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Trước khi làm Chủ tịch nước hồi tháng 4/2021, ông Phúc có một nhiệm kỳ làm Thủ tướng từ 2016 đến 2021, được Trung ương đánh giá là "đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả quan trọng". Tuy nhiên, ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ có vi phạm, khuyết điểm.
12 ngày trước, tại kỳ họp bất thường lần 2 của Quốc hội khóa 15, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã được phê chuẩn cho thôi nhiệm vụ theo nguyện vọng cá nhân.
Trước đó, ba Bộ trưởng bị Trung ương đánh giá là có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng là ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế), ông Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch Hà Nội) và ông Mai Tiến Dũng (nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ). Ông Thanh Long và Ngọc Anh đã bị bắt, ông Dũng bị Ban Bí thư cảnh cáo.
Theo luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Quốc hội khóa 15 đã tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất vào đầu năm 2022, kỳ họp bất thường lần hai bế mạc 8 ngày trước.
Viết Tuân - Sơn Hà