Theo nghị quyết vừa được thông qua, mục tiêu tổng quát của năm tới là tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế hợp lý bền vững, chủ động ngăn ngừa suy thoái. Tổng sản phẩm quốc nội năm 2009 dự kiến tăng 6,5% so với năm nay. Giá tiêu dùng sẽ được kiểm soát để tăng dưới 15%. Do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tốc độ tăng trưởng được điều chỉnh xuống còn 13%. Tổng mức đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 715.000 tỷ đồng, tương đương 39,5% GDP. Trong đó nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ vào khoảng 36.000 tỷ đồng.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. Ảnh: Q.H. |
Chiều 5/11, dự thảo nghị quyết đã được gửi tới đại biểu Quốc hội để xin ý kiến. Phần lớn các ý kiến đều nhất trí với nội dung trong báo cáo mới của Chính phủ, và đánh giá cao những nỗ lực trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế. Tuy nhiên theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng có lúc mang tính cào bằng, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay. Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có vị trí quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng thời gian qua vai trò kiềm chế lạm phát chưa lớn.
Tin liên quan: | |
|
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn biến khó lường, kéo theo nguy cơ suy thoái, khiến sức mua giảm sút, thị trường bị thu hẹp, ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam. Vì vậy, trong năm 2009, cần chủ động xây dựng phương án để hạn chế tác động tới mức thấp nhất.
Theo Ủy ban, tăng trưởng nên ở mức 6,5%, nếu thấp quá sẽ ảnh hưởng tới việc làm. Hai năm liền, 2007-2008, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luôn ở mức 2 con số, năm sau cao gấp đôi năm trước, ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống nhân dân nhất là người lao động thu nhập thấp. Những tháng gần đây, tốc độ CPI đã giảm, cá biệt tháng 10 đã âm. Nhưng nếu để CPI năm sau ở một con số có thể dẫn tới thắt chặt tín dụng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ đồng ý với đề nghị của Chính phủ là kiểm soát CPI dưới 15%.
Liên quan tới chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu, Ủy ban cho rằng cần cân nhắc kỹ. Thị trường bị thu hẹp, trong khi giá các mặt hàng xuất khẩu có xu hướng giảm dần. Thực chất nếu loại trừ yếu tố giá, đến nay xuất khẩu của Việt Nam mới tăng 14%. Vì vậy, Ủy ban đồng ý chỉ tiêu tăng xuất khẩu năm 2009 là 13% so với năm nay.
Tại phiên làm việc chiều nay, dự kiến Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua ngay sau khi nghe tờ trình dự thảo của Chính phủ cũng như đánh giá của Ủy ban Thường vụ, mà không có phần thảo luận, trình bày quan điểm của đại biểu. Tuy nhiên, trong lúc thư ký đang chuẩn bị máy để phục vụ biểu quyết, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm và Viện trưởng Kinh tế TP HCM Trần Du Lịch kiên quyết xin phát biểu.
Ở nội dung liên quan đến các nhóm giải pháp cho năm tới, dự thảo nghị quyết đề cập tới việc lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng có chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng không nên lập quỹ hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp, mà nên hướng vào đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đang rất khó khăn. Yêu cầu hệ thống ngân hàng có chính sách hỗ trợ cũng không hợp lý, mà nên hướng tới lập quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp.
Dự thảo nghị quyết cũng đề cập tới vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước. Song theo ông Trần Du Lịch, cần làm rõ vấn đề này, đúng ra phải là kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, chứ không phải doanh nghiệp Nhà nước.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, sẽ xem xét đưa đề xuất lập quỹ bảo lãnh tín dụng vào nghị quyết, song bảo lưu quan điểm lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp. Góp ý của đại biểu Trần Du Lịch cũng sẽ được tiếp thu đưa vào nghị quyết.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tiếp tục lan rộng và bắt đầu ảnh hưởng tới Việt Nam trên các lĩnh vực xuất khẩu, vốn đầu tư trực tiếp cũng như gián tiếp nước ngoài. Giá nguyên nhiên liệu đầu vào cũng giảm đáng kể, trong đó dầu thô đã giảm mạnh so với đỉnh cao 147 USD mỗi thùng vào giữa tháng 7, khiến một số trù liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính về tình hình lạm phát, tăng trưởng và thu chi ngân sách, được xây dựng từ đầu tháng 9, không còn phù hợp.
Tại cuộc họp thường kỳ 1/11 vừa qua, Chính phủ thống nhất điều chỉnh mục tiêu tổng quát của năm 2009, trong đó lạm phát không còn là mục tiêu ưu tiên và đưa thêm nhiệm vụ ngăn ngừa suy giảm. Tăng trưởng GDP dự kiến của năm 2009 là 6,5%, thay vì phương án 7% trình Quốc hội đầu kỳ họp. Chỉ tiêu tăng trưởng GDP cũng điều chỉnh còn 6,7% thay vì mức cũ là 6,5-7%.
Để ngăn ngừa suy giảm, Chính phủ sẽ theo đuổi chính sách tiền tệ linh hoạt, vừa kiểm soát lạm phát nhưng cũng chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Trong trường hợp doanh nghiệp quá khó khăn, sẽ tính tới chuyện giãn hoặc miễn, giảm thuế.
Mục tiêu thu chi ngân sách năm tới và năm nay dự kiến cũng sẽ được điều chỉnh. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ đã trình phương án mới từ hai ngày trước. Giá dầu thô tính dự toán thu ngân sách cuối 2008 và năm 2009 theo đề xuất của Bộ Tài chính là 70 USD mỗi thùng, thay vì mức 90 USD như dự toán trước đây. Nếu phương án này được duyệt, thu ngân sách 2009 dự kiến giảm khoảng 36.000 tỷ đồng, so với mục tiêu ban đầu là 418.000 tỷ đồng.
Do nguồn thu giảm, chi ngân sách dự kiến cũng phải giảm theo. Theo đề xuất trước đây của Chính phủ, chi ngân sách năm tới vào khoảng 505.000 tỷ đồng.
Song Linh