Tiếp theo phiên chất vấn chiều 3/11, sáng 4/11, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị có thêm 15' để giải trình về các vấn đề của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, do không đủ thời gian, sau khi kết thúc phần giải trình, vẫn còn 25 đại biểu có câu hỏi chưa được trả lời. Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Xây dựng trả lời bằng văn bản.
Nhìn chung, tuy lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị được nhận xét đã trả lời ngắn gọn, thẳng thắn, rõ ràng và đề xuất được giải pháp khắc phục bất cập trong lĩnh vực quản lý ngành xây dựng.
Trong 15 phút sáng nay, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị tiếp tục nhận được các câu hỏi về quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị, không gian ngầm hay diện tích công viên cây xanh tại các đô thị...
Đại biểu Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) nêu nỗi lo khi diện tích cây xanh, nhất là tại các đô thị lớn hiện quá thấp. Ông thấy sốt ruột trước thực trạng này và hỏi trách nhiệm của Bộ Xây dựng khi để diễn ra nhiều năm, chưa được khắc phục.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, hiện các đồ án quy hoạch đô thị đều đạt mức diện tích cây xanh tối thiểu, nhưng thực tế diện tích cây xanh đô thị "chưa đạt mức tối thiểu".
Ông ví dụ, diện tích tối thiểu cây xanh tại Hà Nội bình quân trên 2 m2 một người; TP HCM chưa tới 1 m2 một người; Hải Phòng 3,4 m2 một người... Trong khi mức tiêu chuẩn ở đô thị loại 1 là 6-7 m2 một người.
Bộ trưởng Nghị thừa nhận trách nhiệm khi chưa quyết liệt, chưa thường xuyên đôn đốc các địa phương thực hiện chỉ tiêu cây xanh. Bộ cũng chưa thanh, kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời việc này; chưa có đề xuất chính sách thu hút đầu tư công viên cây xanh.
Tương tự những vấn đề khác đã trả lời trước đó, ông cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, trong đó các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; quy định về diện tích tối thiểu công viên cây xanh tại đô thị và bổ sung chế tài xử lý chủ đầu tư dự án, không đầu tư đồng bộ hệ thống công viên cây xanh...
Tại các đô thị hiện nay, theo phản ánh của đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) cũng đang thiếu quy hoạch không gian ngầm đô thị thiếu, nếu có thì chưa đồng bộ với quy hoạch chung.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận thực trạng này và cho biết chưa có luật riêng điều chỉnh quy hoạch không gian ngầm đô thị. Vấn đề này chỉ được quy định trong các luật chuyên ngành nên quy hoạch về không gian ngầm chưa cụ thể, thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về không gian ngầm.
"Hiện nay đã có một số công trình ngầm, sử dụng không gian ngầm để xây dựng các trung tâm thương mại, khu dịch vụ đa chức năng nhưng đều mang tính cục bộ, chưa liên kết với quy hoạch cả đô thị", ông nhận xét.
Ông cho biết, hiện chỉ có Hà Nội phê duyệt đồ án quy hoạch chung ngầm đô thị tới 2020 và tầm nhìn 2030. TP HCM đang triển khai. Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu bổ sung quy định không gian ngầm và sửa đổi bổ sung vào Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Xây dựng cũng như luật riêng về quy hoạch không gian ngầm đô thị.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga (Phó đoàn Hải Dương) nhận xét, kiến trúc và quy hoạch Việt Nam phát triển lộn xộn ở nông thôn và đô thị.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết sau khi định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Xây dựng có kế hoạch triển khai, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức quản lý kiến trúc Việt Nam có bản sắc và phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Về giải pháp, ông Nghị nói sẽ triển khai đầy đủ định hướng này, nâng cao công tác quản lý, phát triển kiến trúc Việt Nam, cải thiện những tồn tại trong kiến trúc đô thị, nông thôn. Bộ cũng nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kiến trúc cảnh quan ở đô thị, nông thôn; mẫu thiết kế điển hình; tăng cường kiểm tra ở các địa phương.
Bộ cũng tập trung xây dựng đề án về phát triển kiến trúc Việt Nam bền vững, xây dựng cơ sở dữ liệu về kiến trúc quốc gia; tăng cường phối hợp các tổ chức quy hoạch, kiến trúc để tăng tính phản biện. Ông đề nghị các địa phương quan tâm, cải tạo kiến trúc cảnh quan, bảo vệ các công trình đặc trưng cho khu vực nông thôn, nhất là không gian công cộng, văn hóa, đô thị.
Cũng tại phiên chất vấn sáng nay, Phó thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo bổ sung về thực trạng và những khó khăn khiến nhiều quy hoạch chậm được xây dựng, phê duyệt và triển khai.
Ông cho biết, theo luật quy hoạch, hệ thống quy hoạch quốc gia có 110 quy hoạch, trong đó 41 cấp quốc gia (quy hoạch tổng thể quốc gia, không gian biển quốc gia, sử dụng đất quốc gia), 38 quy hoạch ngành quốc gia, 6 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh.
Theo Phó thủ tướng, gần 5 năm sau khi Luật Quy hoạch ra đời nhưng quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được phê duyệt, do "đây là vấn đề khó, chưa có tiền lệ, lần đầu tiền trong lịch sử phê duyệt tổng thể quốc gia".
Tương tự, quy hoạch tỉnh, vùng, ngành cũng gặp khó khăn, vướng mắc chưa triển khai được. Để gỡ khó khăn, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép được lập đồng thời các quy hoạch, và quy hoạch nào xong trước thì phê duyệt trước, nếu có mâu thuẫn giữa quy hoạch (thấp hơn hoặc cao hơn) thì điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.
Việc này đã đẩy nhanh công tác lập, phê duyệt quy hoạch và hiện còn 45 quy hoạch, trong đó 19 quy hoạch tỉnh, và các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành chưa được phê duyệt.
Nhắc tới quy hoạch đô thị, quản lý phát triển đô thị, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhận xét đã có nhiều kết quả ghi nhận. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 30,5% năm 2010 lên 40,5% năm 2021. Các đô thị có tốc độ tăng trưởng cao, gấp 2 lần bình quân chung trong quá trình đó hình thành nhiều khu đô thị văn minh, hiện đại; hạ tầng đô thị từng bước hiện đại, không gian đô thị mở rộng làm thay đổi diện mạo các thành phố và địa phương
Phát triển quản lý đô thị còn nhiều hạn chế, việc chỉnh trang đô thị trung tâm, cải tạo chung cư cũ còn bất cập. Nhiều khu nhà trọ tại đô thị chưa đảm bảo, mất an toàn. Một số đô thị quá tải về hạ tầng", ông nhận xét.
Đất công viên còn rất thấp, ở hầu hết đô thị đặc biệt và loại I, mới đạt 40-50% so với chỉ tiêu quy định. "Hiện nay tỷ lệ đất phục vụ công cộng, phúc lợi nhất là công trình phúc lợi công viên cây xanh, đất giao thông, tại tất cả đô thị đều rất thấp", ông nói thêm.
Nguyên nhân hạn chế này, theo Phó thủ tướng, xuất phát từ quy hoạch và chỉnh trang phát triển đô thị; quản lý đô thị còn nhiều tồn tại, vi phạm trật tự xây dựng như không phép, sai phép, vượt tầng, vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lấn chiếm ven đô khá nhiều, nhưng chưa được xử lý kịp thời.
"Hàng năm các đơn vị đều xử lý nhưng còn chậm, nhất là khu vực ven đô. Cũng trong nhiều lần,Chính phủ chỉ đạo các ngành như thanh tra xây dựng, chính quyền cơ sở, việc xây lấn chiếm ở các vùng ven đô rất nhiều, nhưng xử lý rất chậm", ông nói.
Bên cạnh đó, chất lượng nhiều đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu tầm nhìn, không đảm bảo cân đối quỹ đất ở và đất dành cho công cộng như giao thông, đất công viên, cây xanh, y tế, giáo dục.
Cũng theo Phó thủ tướng, mật độ nhà cao tầng quá lớn gây áp lực quá tải cho hạ tầng đô thị. Vừa qua Bộ Xây dựng, các đơn vị đã triển khai khá tốt công tác quy hoạch. Nhiều quy hoạch được phê duyệt, góp phần phát triển đô thị, nhưng còn nhiều đồ án quy hoạch đã trình Thủ tướng song do chất lượng tư vấn, công tác thẩm tra chưa đạt yêu cầu, dẫn tới phải làm đi làm lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian.
Ông cho biết, tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh việc lập, phê duyệt các quy hoạch, đảm bảo chất lượng.
Xem diễn biến chính