Chiều 3/11, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị mở màn phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội lần này. Đây cũng là lần đầu ông đăng đàn trả lời tại Quốc hội kể từ khi nhậm chức. Do đó, sau những câu hỏi đầu tiên, ông được người điều hành - Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương – nhắc nhở về việc "cần giải đáp cụ thể hơn thay vì chung chung". Sau góp ý này, phần trả lời của Bộ trưởng Xây dựng được nhận xét "có nét hơn, đưa ra giải pháp cụ thể hơn".
36 câu hỏi, 1 tranh luận đã được các đại biểu nêu với Bộ trưởng Nghị, chủ yếu xoay quanh vấn đề nhà ở cho công nhân, quản lý và dự báo về thị trường bất động sản; chậm di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô, trách nhiệm quản lý ngành trước thực trạng quy hoạch đô thị bị phá vỡ...
Về thị trường bất động sản, GS Hoàng Văn Cường đề nghị Bộ trưởng Xây dựng dự báo tình hình sắp tới trong bối cảnh thị trường tài chính, bất động sản, tăng trưởng kinh tế là ba chân kiềng có mối quan hệ biện chứng. Chưa kể, thế giới có thể đang rơi vào suy thoái kinh tế.
Tương tự, theo ông Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận, thị trường bất động sản chưa phát triển tốt, dòng tiền chủ yếu chảy vào phân khúc cho người giàu, còn người nghèo chưa được quan tâm. Đại biểu này muốn biết giải pháp của Bộ trưởng Xây dựng để khắc phục tình trạng trên và cũng đặt vấn đề này tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận một loạt tồn tại. Việc xây dựng dự án bất động sản tại hầu hết địa phương còn khó khăn, khiến nguồn cung sụt giảm. Vì vậy, số nhà ở thương mại có giá phù hợp với đa số người lao động còn thiếu; nhà ở xã hội, nhà công nhân cũng thiếu. Đặc biệt, nhà ở cho người thu nhập thấp, trung bình theo Bộ trưởng, "còn thiếu trầm trọng".
Giá bất động sản cao hơn nhiều thu nhập của người dân. Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào bất động sản chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro. Cơ cấu nguồn vốn bất động sản còn hạn chế. Nguồn cung vốn trung và dài hạn cũng chưa có. Quý III, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận bất động sản. Vẫn còn tình trạng đầu cơ, găm hàng bất động sản. Thị trường bất động sản còn thiếu công khai, minh bạch do hệ thống thông tin chưa được cập nhật đầy đủ.
Vì vậy, ông Nghị dự báo thị trường bất động sản Việt Nam sẽ còn khó khăn, bởi nguồn cung quá thiếu và quá thừa so với nhu cầu; chính sách tín dụng thắt chặt; thiếu can thiệp kịp thời, hợp lý.
"Cơ cấu nguồn cung có thay đổi nhưng vẫn chưa phù hợp. Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân còn rất lớn", ông Nghị nói.
Tuy nhiên, ông bày tỏ lạc quan nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp thì thị trường bất động sản sẽ dần cải thiện, ổn định, hướng tới mục tiêu phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Khi nghe Bộ trưởng Xây dựng dự báo thị trường bất động sản khó khăn, một phần nguyên nhân do siết tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, trong phần "chia lửa" giải trình cùng, nói về lý do cần kiểm soát tín dụng cấp cho bất động sản.
Bà Hồng phân tích, thị trường này cần huy động nguồn lực qua nhiều kênh vốn để phát triển, như vốn đầu tư trực tiếp, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vốn tự có của doanh nghiệp, người dân... Nói cách khác, vốn tín dụng chỉ là một kênh trong số các nguồn lực cần có để thị trường bất động sản phát triển.
Bà Hồng cũng nhắc lại mục tiêu điều hành chính sách chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn vốn cho các tổ chức tín dụng là ưu tiên hàng đầu. Các công cụ, giải pháp tín dụng cho bất động sản sẽ được cân nhắc trong tổng thể công cụ khác, để đạt mục tiêu của chính sách tiền tệ. Ví dụ, giai đoạn cần ưu tiên kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng thì mở rộng tín dụng cho bất động sản sẽ gây khó khăn cho Ngân hàng Nhà nước trong đạt mục tiêu chính sách tiền tệ. "Điều hành tín dụng cho bất động sản vì thế phải cân nhắc, thận trọng", bà nói.
Ngoài ra, tín dụng bất động sản cũng tiềm ẩn rủi ro, bởi vốn lĩnh vực này thường là dài hạn, số tiền huy động lớn, trong khi đặc tính huy động của ngân hàng là vốn ngắn hạn. Vì thế, nếu không tổ chức, điều tiết tốt sẽ đối diện với rủi ro thanh khoản, khó khăn trong chi trả cho người dân.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, chính sách của cơ quan quản lý tiền tệ hướng tới "ưu tiên cấp tín dụng khoản vay nhà ở phân khúc thấp".Nghị định 100 của Chính phủ và Nghị định 49 sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 đã giao Ngân hàng Chính sách xã hội làm đầu mối, thực hiện cho vay nhà ở xã hội, một số tổ chức tín dụng được chỉ định cũng tham gia chương trình này.
Về việc di dời các trụ sở, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận trách nhiệm trong việc chậm đôn đốc thực hiện. Bên cạnh đó, Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Nam Định) lo ngại sau khi di dời doanh nghiệp, cơ quan ra khỏi nội thành, những quỹ đất đó lại để xây dựng nhà chung cư, trung tâm thương mại, văn phòng. Từ đó, gây nên áp lực về hạ tầng giao thông và tăng dân số tại khu vực nội thành.
Trả lời việc này, Bộ trưởng Xây dựng đề cập quyết định của Thủ tướng đã xác định rõ nguyên tắc sử dụng quỹ đất của các trụ sở sau khi di dời để khẳng định không có chuyện này.
"Khi di dời thì phải thực hiện đúng theo các nguyên tắc đã xác định và phải thực hiện theo đúng quy hoạch đô thị", ông khẳng định.
Theo Điều 3, Quyết định 130/2015 của Thủ tướng, việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ quan đơn vị... được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Vì thế, để xảy ra việc trụ sở cơ quan sau di dời biến thành cao ốc, trung tâm thương mại, Bộ trưởng Xây dựng nói "trách nhiệm thuộc về các cơ quan có thẩm quyền".
Chưa thoả mãn với phần trả lời này, ông Cường giơ biển tranh luận. Ông cho hay, quyết định của Thủ tướng rõ ràng nhưng thực tế rất nhiều trường hợp không thực hiện đúng. Ông ví dụ, Nhà máy in Tiến bộ ở 175 Nguyễn Thái Học sau khi di dời lại xây dựng Trung tâm thương mại Plaza, hay khu trụ sở Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện (61 Trần Phú) cũng là công trình chức năng cao tầng, 11 tầng... "Quyết định của Thủ tướng về công năng trụ sở sau di dời đã được thực hiện đúng hay chưa?", ông chất vấn lại.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chủ tịch TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh giải trình thêm về việc di dời các trụ sở cơ quan trung ương ra khỏi nội đô. Tuy nhiên, sau đó ông cho biết, Chủ tịch Hà Nội có lịch công tác đột xuất cuối giờ nên sẽ trả lời bằng văn bản.
Về thực trạng vi phạm trật tự xây dựng, bà Nguyễn Thị Thuỷ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp (đại biểu Bắc Kạn) phản ánh, người dân sửa chữa nhà cửa trong ngõ sâu thanh tra xây dựng vẫn nắm được.
Nhưng công trình lớn, cao ốc ngay mặt đường vi phạm trật tư xây dựng thì không phát hiện ra. "Từ tình trạng này, những giải pháp Bộ, đã triển khai, đảm bảo mọi vi phạm trong trật tự xây dựng liệu đều được phát hiện?", bà đặt vấn đề.
Trước chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhận trách nhiệm trong hướng dẫn, đôn đốc địa phương triển khai thực hiện các văn bản pháp luật và rà soát, hướng dẫn các địa phương để đảm bảo hạn chế vi phạm trật tự xây dựng. Ông hứa sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để đảm bảo chặt chẽ, khả thi, quản lý tốt hơn và hạn chế vi phạm trật tự xây dựng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu việc phát triển nhà ở tái định cư nơi có nơi không, chưa tính đến nhu cầu của người dân gây thất thoát lãng phí. Bên cạnh đó, nhà ở cho công nhân còn bất cập, chất lượng thấp, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Ông đề nghị Bộ trưởng Xây dựng nêu giải pháp khắc phục cũng như thúc đẩy nhà ở xã hội cho công nhân.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận thực trạng đại biểu phản ánh nhiều dự án nhà ở tái định cư còn bỏ hoang. Ông nói hầu hết các dự án này xây dựng trước khi có Luật Nhà ở. Nguyên nhân do người dân không có nhu cầu tái định cư, nhà tái định cư xuống cấp; chính sách an sinh xã hội sau tái định cư chưa được quan tâm; dự án tái định cư chưa thuận lợi trong giao thông.
Về giải pháp, ông Nghị nói tiếp tục hoàn thiện pháp luật về nhà ở đất đai, không chỉ giải quyết chỗ ở mà còn là không gian sống đồng bộ; xác định nhu cầu để xây dựng nhà ở tái định cư phù hợp; rà soát công tác quy hoạch đảm bảo kết nối giao thông; bổ sung quy định về nguyên tắc bố trí tái định cư, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sau tái định cư.
Tại phiên chất vấn chiều 3/11, 3 bộ trưởng, trưởng ngành khác đã cùng tham gia trả lời với Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị. Sáng mai Bộ trưởng có 15 phút trả lời câu hỏi của các đại biểu. Sau đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành sẽ trả lời thêm những vấn đề đại biểu quan tâm
Hoài Thu - Viết Tuân - Sơn Hà
Xem diễn biến chính