-
17h00
Quốc hội nghỉ
Sáng mai (4/11), phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tiếp tục diễn ra.
-
16h50
Thống đốc: Tín dụng bất động sản tiềm ẩn rủi ro nên cần kiểm soát
"Chia lửa" với Bộ trưởng Xây dựng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng giải trình thêm về thực trạng tiếp cận vốn tín dụng để xây dựng, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản quý III năm nay khó khăn, có nguyên nhân về hạn chế tín dụng. Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, vốn tín dụng chỉ là một trong những nguồn lực cần có để thị trường bất động sản phát triển. Thay vào đó, thị trường này cần vốn từ đầu tư trực tiếp, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vốn tự có của doanh nghiệp, người dân...
Việc điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, bà Hồng nói, phải lấy mục tiêu điều hành tiền tệ là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn vốn cho các tổ chức tín dụng. Chẳng hạn, trong giai đoạn cần ưu tiên kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, việc mở rộng tín dụng cho bất động sản sẽ gây khó khăn để đạt mục tiêu chính sách tiền tệ, chứ chưa nói tới đi ngược lại mục tiêu này. "Điều hành tín dụng cho bất động sản vì thế phải cân nhắc, thận trọng", bà nói.
Ngoài ra, tín dụng bất động sản cũng tiềm ẩn rủi ro, bởi tín dụng lĩnh vực này thường là dài hạn, số tiền huy động lớn, trong khi đặc tính huy động của ngân hàng là vốn ngắn hạn. Vì thế, nếu không tổ chức, điều tiết tốt sẽ đối diện với rủi ro thanh khoản, khó khăn trong chi trả cho người dân.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trong chỉ đạo điều hành Ngân hàng Nhà nước đưa ra các quy định kiểm soát rủi ro gián tiếp, chẳng hạn quy định hệ số điều chỉnh rủi ro với khoản vay bất động sản là 200%, vay mua nhà giá trị trên 4 tỷ đồng là 150%... Còn hệ số điều chỉnh rủi ro với vay mua nhà ở xã hội dưới 1,5 tỷ đồng là dưới 50%... Tức là, chính sách của cơ quan quản lý tiền tệ hướng tới "ưu tiên cấp tín dụng khoản vay nhà ở phân khúc thấp".
Với tín dụng cho nhà ở xã hội, bà Hồng cho biết, Nghị định 100 của Chính phủ và Nghị định 49 sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 đã giao Ngân hàng Chính sách xã hội làm đầu mối, thực hiện cho vay nhà ở xã hội, một số tổ chức tín dụng được chỉ định cũng tham gia chương trình này. Tới nay, chương trình vay nhà ở xã hội được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân 10.584 tỷ đồng, dư nợ tới 30/9 là 9.147 tỷ đồng. Còn các tổ chức tín dụng được chỉ định thì hiện chưa giải ngân được, do tiền cấp bù lãi suất chưa được bố trí cho họ.
Bà Hồng nói, thời gian tới, mục tiêu chính sách tiền tệ vẫn là ưu tiên ổn định vĩ mô, an toàn hệ thống ngân hàng. Vì thế, các công cụ, giải pháp tín dụng cho bất động sản sẽ được cân nhắc trong tổng thể công cụ khác, để đạt mục tiêu của chính sách tiền tệ.
-
16h45
Có địa phương điều chỉnh quy hoạch tùy tiện
Đại biểu Lý Văn Huân (Thái Nguyên) bày tỏ bức xúc với thực trạng xây dựng nhà chung cư ở các đô thị lớn có nhiều bất cập, điển hình như sai phạm trong xây dựng nhà hai bên đường Lê Văn Lương. Ông đề nghị lãnh đạo ngành xây dựng nêu giải pháp.
Trả lời câu hỏi đại biểu Huấn, ông Nghị thừa nhận trong quá trình điều chỉnh quy hoạch ở một số địa phương, có trường hợp điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, chưa đảm bảo yêu cầu, quy chuẩn của quy hoạch, dẫn đến phá vỡ quy hoạch.
Nguyên nhân là công tác rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch còn chưa kịp thời; nội dung đánh giá chưa đầy đủ, thấu đáo. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong điều chỉnh quy hoạch cũng chưa được chú ý đúng mức, nặng tính hình thức.
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định, đảm bảo chặt chẽ trong vấn đề điều chỉnh quy hoạch; quy định rõ hơn trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Ông đề nghị các địa phương thực hiện đúng các quy định trong quy hoạch đô thị.
-
16h40
Đại biểu lo quỹ đất sau di dời dùng xây nhà cao tầng
Tranh luận với Bộ trưởng Xây dựng, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Nam Định) lo ngại việc sau khi di dời doanh nghiệp, cơ quan ra khỏi nội thành, có tình trạng lại sử dụng những quỹ đất đó để xây dựng nhà chung cư, trung tâm thương mại, văn phòng. Từ đó, gây nên áp lực về hạ tầng giao thông và tăng dân số tại khu vực nội thành.
Trả lời việc này, Bộ trưởng Xây dựng nêu rõ, với quy định hiện hành, Quyết định của Thủ tướng đã xác định rõ nguyên tắc sử dụng quỹ đất của các trụ sở sau khi di dời. Trên cơ sở đó, khi di dời thì phải thực hiện đúng theo các nguyên tắc đã xác định và phải thực hiện theo đúng quy hoạch đô thị. Tương tự với quá trình xem xét cấp phép đầu tư dự án.
Theo Điều 3, Quyết định 130/2015 của Thủ tướng, việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Quỹ đất sau khi di dời được đấu giá công khai để tạo kinh phí tái đầu tư cho doanh nghiệp bị di dời; sử dụng hiệu quả quỹ đất còn lại sau khi di dời đúng mục đích, chức năng và các chỉ tiêu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.
-
16h20
Nợ đọng xây dựng cơ bản lớn làm khó doanh nghiệp
Ông Nguyễn Lâm Thành, đại biểu tỉnh Thái Nguyên thông tin, nợ đọng xây dựng cơ bản tồn tại từ lâu, ảnh hưởng tới sự tồn tại của doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng siết chặt, lãi suất ngân hàng tăng cao. Ông dẫn chứng, doanh nghiệp có vốn 1.350 tỷ đồng nhưng nợ đọng xây dựng cơ bản 1.041 tỷ đồng, trong đó nợ khó đòi 879 tỷ đồng. Muốn thi công, nhà thầu phải có 4 bảo lãnh: đấu thầu, thực hiện hợp đồng, tạm ứng, bảo hành trong khi không có yêu cầu nào với chủ đầu tư phải bảo lãnh thanh toán.
"Bộ sẽ có giải pháp gì để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong hoạt động kinh tế, cũng như cứu giúp nhiều doanh nghiệp khó khăn hiện nay", ông hỏi và cũng đặt vấn đề này với Bộ trưởng Tài chính.
Vấn đề thứ hai, ông Thành nêu, quản lý phát triển đô thị hiện nay tồn tại nhiều vấn đề, Chính phủ trình dự thảo Luật Phát triển đô thị, nhưng chưa đạt yêu cầu, nên chưa đưa vào chương trình. Tới nay, gần 5 năm nhưng vẫn chưa được trình lại. Vậy "có chuyện dễ làm khó bỏ không, tới khi nào Chính phủ trình, để Quốc hội có thể xem xét, thông qua luật quan trọng này?", ông hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết để đảm bảo nguyên tắc giữa các chủ thể ký kết hợp đồng xây dựng, cần quy định ràng buộc trách nhiệm giữa bên nhận thầu, giao thầu trong đó có quy định thanh toán, hành vi cấm...
Ông cho biết, Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng hiện chỉ quy định xử lý vi phạm hợp đồng xây dựng với dự án dùng vốn công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP. Do đó, với các dự án sử dụng vốn khác, các tổ chức cá nhân chỉ tham khảo theo Nghị định quản lý hợp đồng xây dựng. Tức là, trách nhiệm bên giao thầu được xác định trong hợp đồng, theo Luật Dân sự... Ghi nhận ý kiến, Bộ trưởng Nghị cho biết, tới đây Bộ Xây dựng sẽ rà soát để giải quyết bất cập trong thực tiễn.
Về dự Luật Phát triển đô thị được xây dựng đã lỡ hẹn khi trình 2 lần trước đây, nhưng chưa được thông qua. "Bộ sẽ rà soát để có thể tiếp tục trình thời gian tới", ông nói.
-
16h10
Lo thiếu cát xây cao tốc
Đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) nêu việc đến năm 2045, Đồng bằng sông Cửu Long cần hoàn thành khoảng 400 km đường cao tốc, tương đương cần 39 triệu m3 cát san lấp, chưa kể các công trình công cộng, dân sinh khác. Vì vậy, nhu cầu cát san lấp là rất lớn, nhưng tiếp tục khai thác sẽ gây sạt lở, sụt lún, bức xúc trong xã hội. Ông đề nghị Bộ trưởng Xây dựng cho biết giải pháp đáp ứng nhu cầu để hoàn thiện các dự án cũng như phương án thay thế cát sông.
Về câu hỏi này, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải trả lời.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận việc thực hiện các dự án giao thông trọng điểm đang rất thiếu vật liệu san nền là cát sông. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên Môi trường nghiên cứu vật liệu thay thế cát sông trong thực hiện các dự án.
Đến nay, các cơ quan đang nghiên cứu và đề xuất sử dụng cát biển để làm vật liệu san nền thay thế, do nguồn cát biển hiện có thể sử dụng lên đến 150 triệu tỷ m3. Nếu thành công, không chỉ Đồng bằng sông Cửu Long, mà có thể áp dụng trên cả nước để thực hiện các công trình.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cũng cho biết phải đến cuối năm 2023, mới có kết quả việc liệu có thể thay thế cát biển cho cát sông được không. Song, nghiên cứu ban đầu cho thấy rất khả thi. Yếu tố kỹ thuật sẽ cần nghiên cứu, song Nhật Bản và các nước Trung Đông đã áp dụng thành công. Ngoài hai loại vật liệu trên, Bộ Giao thông Vận tải cũng có cho phép nhà thầu thực hiện dự án có thể sử dụng tro xỉ làm vật liệu đắp nền thay thế cho cát sông.
-
15h55
Đề nghị làm rõ nguyên nhân nhà tái định cư bỏ hoang
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu việc phát triển nhà ở tái định cư có nơi có nơi không, chưa tính đến nhu cầu của người dân gây thất thoát lãng phí. Bên cạnh đó, nhà ở cho công nhân còn bất cập, chất lượng thấp, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Ông đề nghị Bộ trưởng Xây dựng nêu giải pháp khắc phục cũng như thúc đẩy nhà ở xã hội cho công nhân.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận thực trạng đại biểu phản ánh nhiều dự án nhà ở tái định cư còn bỏ hoang. Ông nói hầu hết các dự án này xây dựng trước khi có Luật Nhà ở. Nguyên nhân do người dân không có nhu cầu tái định cư, nhà tái định cư xuống cấp; chính sách an sinh xã hội sau tái định cư chưa được quan tâm; dự án tái định cư chưa thuận lợi trong giao thông.
Về giải pháp, ông Nghị nói tiếp tục hoàn thiện pháp luật về nhà ở đất đai, không chỉ giải quyết chỗ ở mà còn là không gian sống đồng bộ; xác định nhu cầu để xây dựng nhà ở tái định cư phù hợp; rà soát công tác quy hoạch đảm bảo kết nối giao thông; bổ sung quy định về nguyên tắc bố trí tái định cư, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sau tái định cư.
-
15h30
Quốc hội nghỉ giải lao
-
15h20
'Dân sửa nhà trong ngõ sâu thì thanh tra biết, cao ốc vi phạm thì không hay'
Bà Nguyễn Thị Thuỷ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp (đại biểu Bắc Kạn) phản ánh, người dân sửa chữa nhà cửa trong ngõ sâu thanh tra xây dựng vẫn nắm được, nhưng công trình lớn, cao ốc ngay mặt đường vi phạm trật tư xây dựng nhưng thanh tra xây đựng không phát hiện ra. "Từ tình trạng này, những giải pháp Bộ, đã triển khai, đảm bảo mọi vi phạm trong trật tự xây dựng đều được phát hiện?", bà đặt vấn đề.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thông tin, các quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng hiện đã tương đối đủ. Ông nhận trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong hướng dẫn, đôn đốc địa phương triển khai thực hiện các văn bản pháp luật để tăng cường quản lý; cũng như có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn các địa phương để đảm bảo hạn chế vi phạm trật tự xây dựng. Ông hứa sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để đảm bảo chặt chẽ, khả thi, quản lý tốt hơn và hạn chế vi phạm trật tự xây dựng.
-
15h15
Thị trường bất động sản sẽ khó khăn
GS Hoàng Văn Cường nêu vấn đề, thị trường tài chính, bất động sản, tăng trưởng kinh tế là ba chân kiềng có mối quan hệ biện chứng. Thế giới có thể đang rơi vào suy thoái kinh tế. "Bộ trưởng dự báo ra sao về xu hướng bất động sản Việt Nam thời gian tới? Những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải sẽ được giải quyết thế nào", ông hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận thị trường bất động sản còn nhiều tồn tại liên quan đến đất đai, kinh doanh bất động sản. Việc triển khai xây dựng dự án bất động sản tại hầu hết địa phương còn khó khăn, khiến nguồn cung sụt giảm. Vì vậy, số lượng nhà ở thương mại có giá phù hợp với đa số người lao động còn thiếu; nhà ở xã hội, nhà công nhân cũng thiếu. Đặc biệt, nhà ở cho người thu nhập thấp, trung bình còn thiếu trầm trọng.
Giá bất động sản cao hơn nhiều thu nhập của người dân. Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào bất động sản chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro. Cơ cấu nguồn vốn bất động sản còn hạn chế. Nguồn cung vốn trung và dài hạn cho bất động sản chưa có. Quý III, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận bất động sản. Vẫn còn tình trạng đầu cơ, găm hàng bất động sản. Thị trường bất động sản còn thiếu công khai, minh bạch do hệ thống thông tin chưa được cập nhật đầy đủ.
Vì vậy, ông Nghị dự báo thị trường bất động sản Việt Nam sẽ còn khó khăn, bởi nguồn cung quá thiếu và quá thừa so với nhu cầu; chính sách tín dụng thắt chặt; thiếu can thiệp kịp thời, hợp lý.
"Cơ cấu nguồn cung có thay đổi nhưng vẫn chưa phù hợp. Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân còn rất lớn", ông Nghị nói.
Tuy nhiên, ông bày tỏ lạc quan nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp thì thị trường bất động sản sẽ dần cải thiện, ổn định, hướng tới mục tiêu phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.