Chiều 6/11, Quốc hội có thêm 40' chất vấn các bộ trưởng xung quanh vấn đề ổn định hệ thống ngân hàng, tăng trưởng tín dụng và vốn cho các dự án giao thông BOT.
Cuối phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Phạm Văn Hòa tranh luận với Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về tình trạng các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt. Ông lo ngại "có thêm một SCB nữa", khi có 4 ngân hàng trong diện bị kiểm soát đặc biệt.

Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Ngọc Thành
Trả lời đại biểu Hòa, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém rất khó. "Bình thường đã khó rồi nhưng trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như biến động của kinh tế thế giới như thời gian qua thì tái cơ cấu ngân hàng yếu kém càng khó hơn", bà nói và thông tin thêm đây là việc chưa có tiền lệ khi năng lực, kinh nghiệm cán bộ xây dựng đề án còn hạn chế.
Việc tìm kiếm nhà đầu tư tự nguyện tham gia cơ cấu ngân hàng yếu kém theo Thống đốc, rất khó khăn. Cơ chế để cơ cấu các ngân hàng này cần xin cấp có thẩm quyền các bước phê duyệt", bà Hồng nói, và thông tin cơ quan này sẽ hoàn thiện đề án chi tiết, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, để thực hiện.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Ngọc Thành
Bốn ngân hàng được kiểm soát đặc biệt khác là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank), cấp có thẩm quyền đã phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc.
Ngoài 4 nhà băng này, từ tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa Ngân hàng Sài Gòn (SCB) vào diện kiểm soát đặc biệt sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của nhà băng ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền đồng loạt. Ngân hàng Nhà nước hiện đang tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại nhà băng này, để trình Chính phủ phê duyệt chủ trương.
Kiểm soát đặc biệt ngân hàng là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.
'Room tín dụng tiềm ẩn cơ chế xin - cho'
Giơ biển tranh luận, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Trị đề nghị Thống đốc cho biết việc duy trì room tín dụng có tạo cơ chế xin cho và nảy sinh các tiêu cực khác hay không.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng. Ảnh: Ngọc Thành
Đáp lại, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói đặc thù của kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng. Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam là 120%, đang ở mức cảnh báo theo khuyến nghị các tổ chức quốc tế. Nếu bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tín dụng sẽ tăng rất mạnh.
Trước đây, mỗi năm tín dụng tăng 30%, năm 2007 tăng 53,8%, có thể là rủi ro với hệ thống ngân hàng. Vừa qua Thủ tướng có nhiều hội nghị phát triển thị trường vốn để phân khúc khác như trái phiếu doanh nghiệp dẫn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, ngân hàng sẽ chỉ cung cấp vốn ngắn hạn và lưu động. "Khi đó bỏ chỉ tiêu này thì sẽ thuận lợi", bà Hồng nói.
Để tránh tùy ý khi phân bổ chỉ tiêu tín dụng, hàng năm Ngân hàng Nhà nước có chỉ tiêu định hướng và có nguyên tắc chung. "Không thể tùy ý cấp cho từng tổ chức tín dụng, mà dựa theo xếp hạng với tiêu chí rõ ràng", bà Hồng cho hay.
Các tiêu chí, theo bà, là cộng điểm cho ngân hàng đó có lãi suất giảm, tham gia tích cực vào tái cơ cấu và giảm điểm nếu cho vay lĩnh vực rủi ro.
Cho vay dự án BOT, BT giao thông nợ xấu cao
Cũng về vốn, ông Nguyễn Đại Thắng, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Hưng Yên, nêu khó khăn trong tiếp cận tín dụng của các dự án hạ tầng, nhất là giao thông BOT. Ông Thắng nói, các dự án này tổng mức đầu tư lớn, chủ yếu dùng nguồn vốn đầu tư công, nên cần huy động thêm các nguồn khác như vốn ngân hàng. Song việc này không dễ, ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp để tháo gỡ.
Ở khía cạnh này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, nhu cầu vốn cho dự án hạ tầng giao thông cần khối lượng lớn, kỳ hạn vay dài. Trong khi vốn của ngân hàng là ngắn hạn, nên việc cho vay khối lượng lớn, dài hạn bị ràng buộc bởi các quy định về tỷ lệ an toàn vốn. "Nếu huy động vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn vượt quá trung dài hạn có thể gây rủi ro, hệ lụy cho ngân hàng", bà Hồng nhận xét.
Tính tới hết tháng 9, các ngân hàng đã cấp tín dụng cho 22 dự án BT, BOT với tổng dư nợ 92.319 tỷ đồng, nhưng nợ xấu chiếm 3,83% (vượt chỉ tiêu chung 3%), trong khi đó nợ nhóm 2 chiếm trên 26,52%. Nợ xấu phát sinh tăng do phương án tài chính các dự án không đúng phương án xây dựng ban đầu.
"Dự án hạ tầng giao thông cần nguồn vốn lớn, dài hạn, nên chính sách huy động cần cả nguồn từ trong nước và nước ngoài. Vốn tín dụng ngân hàng có cho vay với những dự án này nhưng phải đảm bảo an toàn hoạt động", bà nói.
Dùng AI để phát hiện hành vi trốn thuế
Chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, ông Nguyễn Đại Thắng, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Hưng Yên, cho biết thời gian qua, việc bán hàng không ra hóa đơn vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt tại các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại. Việc này không chỉ khiến Nhà nước thất thu thuế mà còn tạo điều kiện để hàng kém chất lượng đến tay người tiêu dùng và vô tình tiếp tay cho hành vi trốn thuế. Ông đề nghị Bộ trưởng Tài chính nêu giải pháp ngăn chặn.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chiều 6/11. Ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ đã chỉ đạo doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên toàn quốc phải xuất hóa đơn điện tử. Với nhà hàng, siêu thị và cửa hàng xăng dầu, đã kết nối giữa máy khởi tạo tính tiền với dữ liệu cơ quan thuế để kiểm soát, hiện đã thực hiện trên 50%. 100% cây xăng dầu của Petrolimex cũng đã kết nối dữ liệu. Bộ kết nối dữ liệu thuế với hệ thống định danh điện tử quốc gia, lấy dữ liệu dân cư làm mã số thuế. Ngoài ra, cơ quan này đã thực hiện quay xổ số bằng hóa đơn may mắn để khuyến khích người dân lấy hóa đơn điện tử.
"Năm 2022, chúng ta tăng ngân sách rất tốt từ khoản thu này và tập trung quản lý hóa đơn điện tử thông qua AI, phân tích dữ liệu lớn, từ đó phát hiện hành vi trốn thuế đảm bảo thu ngân sách tốt hơn", Bộ trưởng Tài chính nói.
Quan tâm tới việc tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nối Sài Gòn và TP Cần Thơ vừa đưa vào khai thác không lâu đã quá tải. Đại biểu Phạm Văn Hòa đặt vấn đề với Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư về việc có nên nghiên cứu đầu tư tiếp tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hay không, bởi đang ách tắc và không có đường tránh. Ông đề xuất tiếp tục kêu gọi đầu tư bằng hình thức đối tác công tư (PPP) để đáp ứng nhu cầu giao thông của người dân.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời tại phiên chất vấn ngày 6/11. Ảnh: Hoàng Phong
Đồng tình với đại biểu Hòa, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Giao thông & Vận tải tìm nhà đầu tư PPP, để mở rộng tuyến cao tốc này từ 4 làn lên 6 làn, và tiến tới 6 làn lên 8 làn hoàn chỉnh.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, rộng 16 m, 4 làn xe, hoạt động chính thức từ cuối tháng 4.
Tái cơ cấu kinh tế, cổ phần hóa chậm
Thừa ủy quyền Thủ tướng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đăng đàn trả lời chất vấn nội dung về tái cơ cấu kinh tế, cổ phần hóa, phân bổ ngân sách cho giáo dục, văn hóa...

Phó thủ tướng Lê Minh Khái giải trình tại phiên chất vấn, ngày 6/11. Ảnh: Hoàng Phong
Về tái cơ cấu, ông Khái cho biết, Việt Nam là nước đang phát triển, kinh tế đang chuyển đổi, độ mở kinh tế lớn, sức cạnh tranh hạn chế. Chính phủ ban hành chương trình hành động đưa ra 14 giải pháp và 102 nhiệm vụ để thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Mới triển khai được hai năm nên các nhiệm vụ, giải pháp này chưa hoàn toàn đồng bộ.
Tuy nhiên, ông Khái nhìn nhận, một số chỉ tiêu về tái cơ cấu sẽ khó hoàn thành, như thúc đẩy kinh tế ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động; mô hình tăng tướng chưa thay đổi đáng kể. "Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật, đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế, thực hiện giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp đổi mới mô hình tăng trưởng các đô thị lớn, cực tăng trưởng, phát triển đồng bộ các loại thị trường", ông nói.
Về phân bổ ngân sách cho văn hóa, giáo dục, Phó thủ tướng cho biết, kế hoạch ngân sách dành 20% chi cho giáo dục, và thực tế mỗi năm đã dành khoảng 14%. Chính phủ cũng bố trí 2.000 tỷ tu bổ di tích văn hóa, nhưng nguồn lực chưa đáp ứng nhu cầu, vẫn có tình trạng dàn trải, không dùng hết dự toán. "Chính phủ coi đầu tư những lĩnh vực này là đầu tư cho con người; nên sẽ huy động tối đa nguồn lực xã hội cho giáo dục, văn hóa", ông nói.
Về cổ phần hóa, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng thừa nhận đang chậm, khi giai đoạn trước chỉ thực hiện được 30% kế hoạch, và 10 tháng đầu năm nay kết quả cũng khiêm tốn. Bối cảnh thị trường tài chính trong nước bất ổn đã ảnh hưởng tới cổ phần hóa của các nhà đầu tư.
"Đặc thù doanh nghiệp cổ phần hóa hầu hết khó khăn, hoặc là đơn vị lớn", ông nói. Chẳng hạn, Tổng công ty Phát điện 1 (Genco 1) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa qua chỉ cổ phần hóa được khoảng 1%. Ngoài ra, trình tự thủ tục rất phức tạp, nên chậm.
Thủ tướng, Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo giải pháp, đẩy nhanh tiến độ và tiếp tục rà soát, cũng như tăng trách nhiệm người đứng đầu trong cổ phần hóa doanh nghiệp.
Hoài Thu - Viết Tuân - Sơn Hà
Xem diễn biến chính