Khi chuông đồng hồ điểm 12 tiếng tại thủ đô Bridgetown, Carol Roberts-Reifer, người đứng đầu Quỹ Văn hóa Quốc gia Barbados, tuyên bố quốc đảo Caribe chính thức trở thành Cộng hòa Barbados từ 0h ngày 30/11 (11h giờ Hà Nội), chấm dứt vai trò nguyên thủ của Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại nước này.
Lá cờ của hoàng gia Anh được hạ xuống khi buổi lễ bắt đầu, khép lại 396 năm hiện diện của nền quân chủ Anh tại quốc đảo Barbados và đánh dấu sự ra đời của nước cộng hòa trẻ tuổi nhất thế giới.
Khách mời vỗ tay sau khi Dame Sandra Mason tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Barbados và thề trung thành với đất nước, tiếp theo là 21 phát đại bác khi quốc thiều Barbados vang lên. Rihanna, ca sĩ người Barbados, tham gia buổi lễ và được phong là anh hùng dân tộc.
"Cộng hòa Barbados đã ra khơi trong hành trình đầu tiên của mình. Đó là hành trình vào một thế giới phức tạp, rạn nứt và hỗn loạn", Tổng thống Mason nói trong diễn văn nhậm chức. "Đất nước chúng ta phải có những giấc mơ lớn lao và chiến đấu để hiện thực hóa chúng".
Đại diện cho Nữ hoàng Anh, Thái tử Charles tham dự buổi lễ tại Bridgetown, khẳng định Cộng hòa Barbados thành lập "mang đến khởi đầu mới". "Từ những ngày đen tối nhất trong quá khứ và sự tàn bạo khủng khiếp của chế độ nô lệ, thứ mãi mãi là vết đen trong lịch sử, người dân trên hòn đảo này đã kiên cường đến phi thường khi dựng xây con đường của mình", Thái tử Charles nói.
"Đã đến lúc Barbados bỏ lại hoàn toàn quá khứ thuộc địa của chúng ta", Thủ tướng Mia Mottley tuyên bố khi chủ trì buổi lễ.
Barbados có diện tích hơn 400 km2 và dân số chưa tới 300.000 người, là thuộc địa của Anh từ năm 1625, rồi trở thành quốc gia độc lập thuộc Khối Thịnh vượng chung 341 năm sau đó. Các lãnh đạo Barbados từng ủng hộ thành lập thể chế cộng hòa sau khi quốc đảo giành độc lập năm 1966.
Lễ chuyển trạng thái hiến pháp mới của Barbados diễn ra cùng thời điểm nước này kỷ niệm 55 năm ngày Độc lập 30/11. Tiến trình thành lập thể chế cộng hòa tại Barbados yêu cầu xóa Nữ hoàng Elizabeth II khỏi vị trí nguyên thủ quốc gia.
Nữ hoàng Elizabeth là nguyên thủ quốc gia của Anh và 14 nước từng là thuộc địa của Anh gồm Antigua và Barbuda, Australia, Bahamas, Belize, Canada, Grenada, Jamaica, New Zealand, Papua New Guinea, Saint Kitts và Nevis, Saint Lucia, Saint Vincent và Grenadines, Quần đảo Solomon và Tuvalu.
Nguyễn Tiến (Theo Guardian)