Toàn quyền Barbados Sandra Mason ngày 16/9 phát biểu thay mặt cho Thủ tướng Mia Mottley về việc bỏ vai trò nguyên thủ quốc gia của Nữ hoàng Anh Elizabeth và trở thành nước cộng hòa trước tháng 11/2021.
"Đã đến lúc chúng ta bỏ lại hoàn toàn quá khứ thuộc địa. Người dân Barbados muốn có một nguyên thủ quốc gia người Barbados", Toàn quyền Mason tuyên bố.
Đây là quyết định được nhiều người dân Barbados đón nhận, song không phải tất cả đều tán thành.
"Barbados quyết định hoàn toàn hợp lý rằng họ không muốn nguyên thủ quốc gia của mình ở trong một cung điện cách xa tới hơn 6.400 km", phóng viên hoàng gia Charlie Proctor đăng trên Twitter.
Tuy nhiên, rất nhiều người lo ngại về tương lai của Barbados sau quyết định xóa vai trò nguyên thủ của Nữ hoàng Anh. "Điều đó sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được bao nhiêu tiền và liệu tất cả những người nhập cư ở nước này sẽ phải quay về sao?", một người dân cho biết.
Trong khi đó, một người khác bày tỏ phẫn nộ trên mạng xã hội: "Những kẻ ngốc, họ nên cảm thấy vinh dự khi có Nữ hoàng là nguyên thủ. Tôi hy vọng họ không hối tiếc về hành động đó".
"Đi và hưởng độc lập đi, rồi khi mùa bão đến, đừng hy vọng tàu hải quân hoàng gia Anh sẽ mang tới hàng cứu trợ cùng các nguồn lực tái thiết hào phóng, vô tận. Tạm biệt! Đừng mong những du khách sang chảnh tới hòn đảo không còn ủng hộ chế độ quân chủ Anh này", một người dùng Twitter bình luận.
Tuy nhiên, Proctor phản ứng khá gay gắt với bình luận này. "Những du khách sang chảnh? Điều đó có nghĩa lý gì cơ chứ?"
Nhiều người cũng dự đoán rằng động thái của Barbados có thể khiến nước láng giềng Jamaica sớm cắt quan hệ với chế độ quân chủ Anh. "Bây giờ Barbados đã ngửa bài, các nước trong cộng đồng Caribe sẽ làm theo, trước hết là Jamaica. Cả hai đảng chính của họ đều ủng hộ nền Cộng hòa", Proctor viết.
Hầu hết các quốc gia Caribe vẫn duy trì quan hệ với chế độ quân chủ Anh sau khi giành độc lập. Barbados sẽ gia nhập cùng đảo quốc Trinidad và Tobago, Dominica và Guyana nếu tiếp tục kế hoạch trở thành quốc gia cộng hòa.
Năm 2003, Barbados từng có động thái để trở nên độc lập hơn khi thay thế Ủy ban Tư pháp của Hội đồng Cơ mật có trụ sở tại London, Anh, bằng Tòa án Công lý Caribe, đặt tại Port of Spain, thủ đô của đảo quốc Trinidad và Tobago.
Barbados, quốc đảo Caribe có diện tích hơn 400 km2 và dân số chưa đến 300.000 người, trở thành thuộc địa của Anh từ năm 1625. Ngày 30/11/1966, Barbados trở thành quốc gia độc lập thuộc Khối Thịnh vượng chung gồm 54 thành viên.
Nữ hoàng Elizabeth là nguyên thủ quốc gia của Anh và 15 nước từng là thuộc địa của Anh, gồm Antigua và Barbuda, Australia, Bahamas, Barbados, Belize, Canada, Grenada, Jamaica, New Zealand, Papua New Guinea, Saint Kitts và Nevis, Saint Lucia, Saint Vincent và Grenadines, Quần đảo Solomon và Tuvalu.
Một số cựu thuộc địa Anh đã xóa bỏ tư cách nguyên thủ quốc gia của Nữ hoàng kể từ khi độc lập nhưng vẫn ở lại Khối Thịnh vượng Chung. Mauritius là quốc gia gần đây nhất trở thành nước cộng hòa vào năm 1992.
Ngọc Ánh (Theo London Economic)