- Sức khỏe anh ra sao sau một năm điều trị u tuyến yên?
- Hiện tôi hồi phục khoảng 80 phần trăm. Lúc phát hiện bệnh, hai mắt tôi rất mờ, không thể đọc sách hay sáng tác, ngồi vào bàn một lúc là cơ thể mệt mỏi. Có lần, khi đang chấm thi ở Hà Nội, tôi phải về Sài Gòn gấp vì mắt đau. Nhiều dự án sau đó bị rút lại vì bệnh ngày càng nặng. Sau khi nhập viện, tôi được điều trị bằng thuốc một thời gian, may mắn không phải phẫu thuật. Thị lực trở lại, chứng đau đầu cũng giảm dần.
Thời gian điều trị, tôi chật vật nhiều về tài chính vì mẹ tôi cũng bệnh. Sau khi khỏe lại, tôi thu xếp được công việc nên mọi chuyện dễ thở hơn. Giờ tôi viết nhạc với tâm thế thanh thản vì không còn chạy theo cuộc đua tạo hit. Cả thời gian ở nhà vì dịch bệnh, tôi chỉ nhận dự án sáng tác nhạc cho một bộ phim truyền hình dài 30 tập.
- Căn bệnh khiến anh thay đổi lối sống ra sao?
- Ngày trước, tần suất làm việc của tôi kinh hoàng lắm. Một ngày, tôi có thể thức từ sáng đến khuya để viết năm, sáu ca khúc. Có tuần, tôi chỉ ngồi mãi để sáng tác, quên cả ăn uống. Những chuyện đó giờ tôi không dám làm nữa. Nhiều lúc tôi nhủ thầm: Mình viết nhạc 30 năm rồi, muốn viết được thêm 10, 15 năm nữa, sức khỏe là thứ đầu tiên cần để tâm. Những tháng ở nhà tránh dịch, tôi hầu như chỉ ăn uống tẩm bổ. Có lúc, tôi lên hơn 16 kg, gần đây mới giảm dần.
- Sau bệnh, quan niệm sáng tác của anh thay đổi ra sao?
- Nếu trước đây, tôi thích viết về những "xinh", "trầm", "ngoan" thì hiện tại, mảng sáng tác chủ yếu của tôi là "bình yên". Tôi trở lại với yoga như một liệu pháp cân bằng về thể chất lẫn tâm hồn. Ngoài ra, tôi hướng đến Phật giáo như một chỗ dựa tinh thần. Tôi sống vì hiện tại, không bị quá khứ ràng buộc, cũng không vọng tưởng về những điều chưa xảy đến. Khi sáng tác về tình yêu, tôi cũng chỉ viết về những điều đại loại "yêu nhau dịu dàng, xa nhau nhẹ nhàng". Những sáng tác mới của tôi trong CD của học trò - ca sĩ Trini - đa phần mang màu sắc như thế.
- Vì sao anh chọn hình thức phát hành CD cho album đầu tay của học trò?
- Đúng là hiện nay, việc bán đĩa không đơn giản, nhất với những tên tuổi mới. Tuy vậy, tôi vẫn có niềm tin với những khán giả chuộng album vật lý. Tôi thường chia ra hai dạng ca sĩ trên thị trường: những người rất nổi trên mạng xã hội với những video đạt top trending (thịnh hành) Youtube, và những người sống nhờ album. Trini thuộc dạng thứ hai. Khi đến với tôi, cô ấy nói thẳng: không muốn lao vào cuộc đua về độ "hot" MV.
Với Trini, cũng như nhiều học trò sau này, tôi yêu cầu họ phải học hành âm nhạc bài bản. Tôi chỉ phụ trách phần "đời" - tức khơi dậy bản năng, cảm xúc ca hát của họ, còn phần học thuật, kỹ năng của họ cần được đào tạo qua trường lớp chính quy, như Trini hiện là sinh viên khoa Thanh nhạc, Nhạc viện TP HCM. Qua nhiều năm đào tạo các ca sĩ, tôi thấm thía một điều: Nếu chỉ bằng cách "nghề dạy nghề", ca sĩ sẽ loay hoay, nhiều lúc rất nản vì thiếu định hướng. Còn đã là sinh viên trường nhạc, ngay cả khi không đi hát bên ngoài, họ vẫn rèn luyện trên lớp vì áp lực học hành, từ đó duy trì sự nghiêm túc với nghề hát.
- Dự án kỷ niệm 30 năm vào nghề của anh sắp tới ra sao?
- Tôi đang thực hiện một đĩa than sau ba thập niên viết nhạc. Đĩa có tám bài, chia đều cho bốn giọng ca: Hà Trần, Nguyên Hà, Bằng Kiều, Lê Hiếu - bốn ca sĩ gắn bó xuyên suốt cùng tôi trong từng chặng đường sự nghiệp. Có lúc, họ bận rộn với công việc khác song sau đó vẫn quay lại với tôi. Nhiều đồng nghiệp hỏi tôi vì sao không mời Mỹ Tâm. Cô ấy chỉ hợp tác cùng tôi trong giai đoạn đầu sự nghiệp với album Mãi yêu rồi rẽ sang hướng khác.
Quốc Bảo sinh năm 1967, tác giả của nhiều ca khúc như: Em về tinh khôi, Bài tình cho giai nhân, Em về tóc xanh, Ngồi hát ca bềnh bồng, Còn ta với nồng nàn, Bình yên... Anh là cố vấn âm nhạc cho các ca sĩ: Mai Khôi, Ngô Thanh Vân, Mỹ Tâm, Nguyên Hà... Ngoài sáng tác nhạc, hòa âm, anh còn là cây bút bình luận, tác giả của bảy cuốn sách. Anh ra mắt sách viết về ca sĩ Mỹ Tâm hồi tháng 6/2019.
Mai Nhật