Ở sách mới của Quốc Bảo, 40 bài viết ngắn như lời minh họa cho những bức ảnh dàn kín các trang - tác phẩm do anh tự chụp. Saigon của tôi là miền tâm tưởng về quê hương của một nghệ sĩ đã gắn chặt đời mình với thành phố suốt 50 năm từ lúc chào đời. Những bức ảnh tĩnh bên mỗi câu chữ giống từng mảng nội tâm, trong những góc khuất kín đáo đang được phơi bày. Ở đó là những ngóc ngách Sài Gòn mộc mạc, là thân phận của hàng triệu con người, là dấu ấn của một đô thị sầm uất và trầm mặc.
Giống như một tổ khúc âm nhạc, tập sách này được chia thành ba chương khác nhau. Chương đầu là sự đan xen tương tác của ảnh và chữ, chương hai chỉ toàn là ảnh và chương kết là loạt ảnh. Các bức ảnh trong sách có khi là ảnh màu, khi là đen trắng, được chụp trong khoảng năm 2013-2017. "Saigon trong những bức ảnh tôi đang chụp và sẽ chụp không có được khuôn hình đẹp đẽ chân phương, như giấc mơ của chúng ta có bao giờ trọn vẹn. Những thềm nhà loang lỗ, cụm mây trời lễnh loãng, ngỏ hẻm ngoằn ngoèo…", tác giả viết. Quốc Bảo thừa nhận anh chụp ảnh chỉ như một cách ghi nhận mà không phán xét. Trong mỗi câu văn tác giả viết mang nặng tính chất tự sự về một vùng đất thân thuộc mà anh đã dành hết tình cảm.
Những trang sách là dấu ấn khó phai về một Sài Gòn xưa và nay, từ con đường Tự Do nay mang tên Đồng Khởi, đến phố Catinat một thời, kia là Taberd, café Jaspas, rạp Eden, có nơi đã in sâu trong ký ức của tác giả, có nơi vẫn còn hiện diện hôm nay. Saigon trong tôi là hình ảnh góc ngã tư yên lặng, là tòa nhà lẻ bóng, toán xe ôm đánh cờ tướng, gánh hàng rong, là hàng cây xanh rũ bóng mát hay phút thư giãn trên gương mặt người đánh giày bên lề đường. Trong bài có tên Người đánh giày, tác giả viết: "Người đánh giày tên Long, có mặt ở phố này từ sáng tinh mơ. Đây là phút giải lao hiếm hoi của anh trong ngày, sau khi điểm đủ bữa ăn cho gia đình. Những năm xưa, khi còn ngồi ở Givral, tôi hay ưng thuận cho đánh giày khi các cậu bé choai choai chào mời. Long thì không cần xúm xít mời, chỉ hiện ra ở khung cửa Jaspas tay giơ bàn chải lên vẫy, khách nào gọi thì vào".
* "Tình ca phố" của Quốc Bảo
Sài Gòn của Quốc Bảo, tiếp nối bởi những hình ảnh không lời. Là tràng lá xanh mướt mắt trên hàng cổ thụ, gác điện thoại công cộng đã nhiều năm hen gỉ, là con đường nội đô của một tối mưa tầm tã và những góc quán tĩnh lặng cho những người thích suy tư. Thú vui của tác giả là viết, chụp ảnh, sưu tầm những đồ vật mang nhiều ký ức, trong đó sách cũ - sở thích rất quan trọng trong đời sống của anh, bên cạnh bức ảnh đẹp, anh chia sẻ niềm vui về sách: "Chúng ta đã tiến xa bao nhiêu thế kỷ, nhưng hồn sách cũ vẫn vương vương trong không khí của một tiệm sách chật hẹp, tưởng như hồn vía người xưa vẫn dạo chơi quanh đây, thầm thì rao truyền tận tai ta những dòng thơ bí ẩn và tinh khôi về một thế giới được xây trên kiến thức".
Tác giả tự nhận không có khả năng sống ở một nơi nào khác ngoài Sài Gòn. Nỗi nhớ vẫn cứ thường trực trong anh mỗi khi anh rời khỏi thành phố. "Tôi đã nhớ đến thắt lòng khi rời xa Saigon, những buổi chiều Huế, chiều đất Bắc dù êm ả hay bão tố, vẫn là những chiều xa quê, những chiều xô giạt, ngổn ngang, thiếu hụt", anh tâm sự.
Nhạc sĩ Quốc Bảo là một nghệ sĩ hiếm hoi sống tại Việt Nam tham dự với tư cách thành viên chính thức của Hiệp hội Sáng tác gia, Tác giả và Nhà xuất bản Hoa Kỳ. Ngoài hoạt động về âm nhạc như sáng tác và đào tạo ca sĩ chuyên nghiệp, Quốc Bảo từng cho ra một số cuốn sách như Mặt, Những ghi chép vụn, Thị dân, Những cái tên những mặt người, Cuốn sổ trắng, 50…
Lê Hữu Nam