Nhạc sĩ Quốc Bảo viết "Saigon" thay vì Sài Gòn, xuất phát từ thói quen với cách viết tiếng Pháp: "Saïgon". Sách được tổ chức như một tổ khúc âm nhạc ba chương. Chương đầu là sự đan xen của ảnh và chữ, như thể nếu vắng đi một trong hai, tình yêu Sài Gòn và cảm thức thị dân trong anh sẽ thiếu hụt. Chương hai chỉ toàn ảnh - được thể hiện khi cảm xúc trong anh đạt đến một ngưỡng khiến lời nói bặt lặng. Chương kết thể hiện cái nhìn so sánh giữa thuật viết chữ với nhiếp ảnh - hai phương pháp luyện tâm mà tác giả yêu thích. Ảnh sử dụng trong sách được Quốc Bảo chụp từ năm 2013 tới 2017, bằng nhiều máy Leica: M2, M4-P, M6, MP, M9, M, D-Lux và T.
Tác giả muốn truyền tải những điều nhỏ bé qua tập sách. Đó có thể là một nỗi nhớ, một hy vọng, một suy nghiệm... Qua Saigon của tôi, độc giả gặp những câu chuyện, hình ảnh từng hiện diện trong giấc mơ của Quốc Bảo từ thuở ấu thơ hay ở độ ngũ tuần. Những hình ảnh đó gắn liền cuộc đời anh.
Nhạc sĩ gọi Sài Gòn là miền tâm tưởng, như gọi tên một bộ phận thân thể tác giả. "Saigon của tôi đó, từ lúc tôi cất tiếng khóc báo hiệu một cuộc đời nhiều bão tố đến giờ năm mươi năm, vẫn là một đoạn nối dài của nhau thai người mẹ, vẫn cung cấp chất dinh dưỡng không ngừng nghỉ để nuôi tôi", anh viết.
Saigon của tôi là cuốn thứ bảy của Quốc Bảo. Trước đó, anh từng giới thiệu các cuốn Mặt (2005), Những ghi chép vụn (2008), Thị dân (2010), Những cái tên những mặt người (2012), Cuốn sổ trắng (2015) và 50 (2017).