Dù đã mở hết cửa kính cho gió lùa vào lồng lộng, sau mười phút di chuyển, áo tôi vẫn đẫm mồ hôi còn lũ trẻ không ngừng "trách móc" vì khó chịu.
Cuối ngày, tôi không thể sốc hơn trước thông tin một đứa trẻ 5 tuổi - bằng tuổi con trai tôi - tử vong vì bị bỏ quên 11 giờ trong xe đưa rước. Nhiệt độ ngoài trời nơi xảy ra sự việc là 35°C.
Ôtô là một không gian đóng kín với lượng oxy giới hạn. Khi xe tắt máy, không khí không được trao đổi giữa trong và ngoài xe, oxy sẽ giảm dần theo thời gian và nhu cầu sử dụng. Với một chiếc ôtô con, lượng oxy có thể sử dụng cho trẻ tối đa khoảng hai giờ đồng hồ. Với một chiếc buýt cỡ nhỏ, thời gian ấy có thể kéo dài gấp bốn hoặc năm lần, tức không quá mười giờ.
Ngoài nguy cơ thiếu không khí, hiểm họa lớn hơn là sốc nhiệt. Dưới trời nắng nóng, trong điều kiện tắt máy và đóng kín cửa, nhiệt độ trong xe có thể tăng cao hơn cả chục độ so với bên ngoài. Có lần khi ngoài trời khoảng 30°C, tôi đo được nhiệt độ trong xe lên tới hơn 45°C. Trong khi đó, với thân nhiệt vào khoảng 37°C, con người sẽ bắt đầu bị tổn thương với nhiệt độ môi trường từ 40°C trở lên.
Năm năm trước, bé trai 6 tuổi ở trường Gateway, Hà Nội, từng thiệt mạng vì bi kịch tương tự. Tôi tự hỏi tại sao lại có thể tiếp tục quên một con người, và làm thế nào để điều đau xót này không lặp lại?
Trước hết, tài xế phải xác định rõ trách nhiệm quản lý xe của mình cũng như chức năng của xe - là phương tiện vận chuyển. Xe không phải là không gian chơi đùa - nhất là với trẻ em - nên người lái chỉ có thể tắt máy, rời khỏi xe khi đảm bảo chắc chắn không còn ai bên trong. Muốn vậy, tài xế phải kiểm tra tình trạng xe trước khi đóng cửa. Với ôtô con, sẽ dễ nắm bắt số lượng người rời xe hơn. Đối với xe đưa đón học sinh, tài xế buộc phải đi kiểm tra từ đầu đến cuối xe ít nhất một lượt trước khi khóa cửa. Trong bất cứ trường hợp nào cũng không được phép tin tưởng người khác báo cáo mà phải tự mình kiểm tra. Sự quan sát từ đầu xe có thể bị đánh lừa bởi những góc khuất - nhất là khi trẻ con thường gục xuống ngủ sau những thành ghế.
Chuyện này đâu có gì khó khăn, chỉ là việc tuân thủ kỷ luật lao động. Phía dưới bản tin về cái chết của đứa trẻ hôm qua, một độc giả chia sẻ: "Tôi là lái xe đưa đón các cháu hàng ngày, trên xe còn một quản sinh nữa. Buổi sáng rất quan trọng vì các bé hay ngủ, khi xe về đến trường, quản sinh sẽ đi từng hàng ghế kiểm tra xem còn bé nào ngủ trên xe không. Sau đó tôi lại đi một lượt vừa vệ sinh xe vừa nhìn lại lần nữa. Phải tạo cho mình một thói quen mới làm được nghề này". Nếu tài xế nào cũng làm được như vậy, đã không có đứa trẻ nào "bị nhốt".
Tiếp đến, người tiếp nhận trẻ phải có thao tác kiểm đếm độc lập lúc lên, xuống xe hoặc lúc bàn giao cho giáo viên. Mỗi lần nhìn thấy một trẻ, người này sẽ chỉ cần mất một giây đánh dấu vào bảng theo dõi. Kỷ luật này cũng tương tự kỷ luật rà xe của tài xế, không bao giờ được phép bỏ qua.
Ở vị trí đứng lớp, giáo viên sẽ phải đối chiếu và ký nhận danh sách bàn giao. Mỗi một trẻ bước vào lớp, giáo viên chỉ mất một giây để quan sát và tiếp nhận.
Ngay sau sự việc, tỉnh Thái Bình đã yêu cầu xây dựng ngay quy trình đưa đón trẻ. Tôi chắc chắn điều này là cần thiết. Nhưng mọi quy trình, ngay cả khi được tuân thủ chặt chẽ, cũng vẫn có xác suất xảy ra tai nạn. Huống hồ ở đây, tệ hại hơn cả thiếu quy trình là những con người tắc trách. Theo lời người bà, đứa trẻ ngồi ngay sau ghế lái mà vẫn có thể bị cả lái xe lẫn cô giáo đưa đón bỏ quên. Cô giáo, được trang bị công cụ điểm danh nhưng khi phát hiện vắng học sinh, cũng không thông báo cho gia đình.
Khi thiếu quy trình hướng dẫn - giám sát giao nhận trẻ, khi không thể trông đợi vào kỷ luật lao động vào trách nhiệm nghề nghiệp của con người, theo tôi, cần trang bị thêm máy móc, thiết bị. Với sự phát triển của công nghệ giám sát hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã cho lắp đặt các thiết bị an toàn trên xe đưa rước học sinh. Ví dụ hệ thống school bus ở Mỹ được lắp đặt hệ thống cảnh báo an toàn, buộc tài xế phải đi tới cuối xe tắt thiết bị này nếu muốn tắt động cơ.
Cái chết của bé trai trường Gateway vào tháng 8/2019 đã không còn là tai nạn cá biệt.
Tháng 9/2019, một cháu bé bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường học ở Bắc Ninh. Rất may cháu bé kịp thời được cứu sống. Vào tháng 6/2020, một nam sinh lớp 4 ở Từ Liêm, Hà Nội cũng bị bỏ quên trên xe ôtô đưa đón. Sau khi tỉnh ngủ, bé đập cửa và được giải cứu.
Sau những sự việc như vậy, các trường học hoàn toàn có thể chủ động trang bị công cụ giám sát an toàn trên xe đưa đón của mình. Ở quy mô quản lý nhà nước, theo tôi ít nhất cần làm hai việc: Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy trình tiếp nhận - đưa đón học sinh, và Bộ Giao thông Vận tải bổ sung yêu cầu về các trang thiết bị an toàn cần có trong điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải chuyên chở học sinh.
Nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh lại, mọi quy trình và công nghệ cũng chỉ là hệ thống hỗ trợ, để giảm thiểu sơ suất gây ra do sự vô trách nhiệm của con người. Con người là yếu tố quyết định cuối cùng. Mỗi người liên quan trong sự việc chỉ cần bỏ ra thêm vài giây kiểm tra, mạng người có thể đã không bị phí phạm.
Tài xế, quản sinh, cô giáo phải hiểu rằng, họ mang lên xe một con người - không được phép bỏ quên.
Võ Nhật Vinh