Chị Phạm Thị Hoa (ngụ Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) cho biết thường không nhớ lịch tiêm nhắc của con trai, đặc biệt với các mũi nhắc lại cách một thời gian xa. Ví dụ các mũi vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván cần tiêm lại sau 10 năm để củng cố miễn dịch, nhưng khi con đủ tuổi, chị quên đưa bé đi tiêm lại.
"Con trai tôi tiêm mũi đầu lúc 5 tuổi, đến năm 15 tuổi phải tiêm lại, nhưng nay cháu đã quá tuổi tiêm nhắc nên tôi dự tính cho cháu tiêm lại. Không biết tiêm trễ lịch như vậy thì có ảnh hưởng gì hay không?", chị nói.
Còn anh Văn Thành (Hà Tĩnh) cho biết chưa có dự định tiêm nhắc vaccine sởi cho con trai 4 tuổi dù đã cách mũi thứ nhất 4 năm. Anh cho rằng con không tiêm chủng song chưa mắc bệnh nghiêm trọng. Nếu bé mắc bệnh thì miễn dịch sẽ mạnh hơn vaccine, vì vậy gia đình ưu tiên cho việc khác.
Trần Quốc Hoàn, điều dưỡng tiêm chủng tại VNVC Hà Tĩnh, cho biết trường hợp người dân trễ lịch tiêm, quên tiêm nhắc, không tiêm đầy đủ vaccine diễn ra thường xuyên. Cách đây một tuần, trung tâm đón tiếp một khách hàng đưa con trai 10 tuổi đi tiêm mũi đầu tiên vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván (Boostrix 3 trong 1). Trong khi đó, bé lẽ ra cần tiêm mũi này vào năm 4 tuổi.
Chị Thanh Hiền (Hà Tĩnh) cho biết đưa con đi tiêm do nghe thông tin có người tử vong vì bệnh bạch hầu. Trước khi đưa con đến trung tâm, gia đình không chú trọng tiêm vaccine, chỉ khi có người mắc bệnh mới tiêm một mũi cho an tâm.
Theo điều dưỡng Hoàn, việc tiêm nhắc cho trẻ hoặc người lớn ở địa bàn ít được chú trọng. Chỉ khi dịch bệnh xuất hiện trên diện rộng, người dân mới bắt đầu kéo nhau đi tiêm chủng. Ví dụ vào năm 2021, nhiều người nhau đến trung tâm VNVC tiêm phòng khi khu vực họ sinh sống có nhiều ca mắc viêm màng não do não mô cầu, trong khi trước đó số lượng tiêm chủng rất ít.
Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) về tình hình trẻ em thế giới 2023, chủ đề "vaccine cho mọi trẻ em", chỉ ra Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em "0 liều vaccine" cao trên thế giới, với hơn 187.000 trẻ em dưới 1 tuổi không được tiêm một loại vaccine nào trong năm 2021. Theo báo cáo của UNICEF, tháng 4/2023, tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em không được tiêm chủng ở thành thị cao hơn khoảng 1,5 lần so với trẻ em sống ở nông thôn (6,3% - 4,2%), trong khi tỷ lệ này ở nhóm các hộ gia đình nghèo cao gần gấp đôi so với nhóm giàu nhất (13,5% - 6,6%).
PGS.TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết trong năm 2021 Việt Nam chịu tác động lớn của Covid-19. Trong đó, TP HCM và khu vực phía nam áp dụng giãn cách trong thời gian dài, khiến hoạt động tiêm chủng khó triển khai. Cuối 2021, các tuyến nỗ lực tiêm bù, tiêm vét cho trẻ em bị bỏ sót, tuy nhiên thời gian triển khai ngắn nên tỷ lệ trẻ chưa tiếp cận được với vaccine còn cao.
Năm 2022, công tác tiêm chủng dần được cải thiện song xảy ra tình trạng gián đoạn vaccine. Một số đơn vị đã tài trợ vaccine để tiêm chủng và các đơn vị tiêm chủng sử dụng lượng vaccine gối đầu từ năm trước. Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn chưa giải quyết được căn cơ, tận gốc nên hiện công tác tiêm chủng vẫn trục trặc.
Theo PGS Phạm Quang Thái, tỷ lệ tiêm chủng thấp làm tăng nguy cơ tạo lỗ hổng miễn dịch ở trẻ em, khiến các bệnh chưa được khống chế hoàn toàn như sởi, ho gà, bạch hầu quay lại. Lý do là các trường hợp đã tiêm chủng song không được tiêm nhắc, miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian; còn những người chưa tiêm thì không có miễn dịch. Từ đó, nguy cơ bùng phát dịch có thể xảy ra.
Trong đó, bệnh sởi đang là mối quan tâm đặc biệt do có nguy cơ bùng phát thành dịch trong năm 2023 và 2024 nếu như công tác tiêm chủng không được cải thiện. Các bệnh đã được thanh toán, loại trừ như bại liệt, uốn ván sơ sinh cũng có thể quay lại. Khi bệnh quay lại, rất khó để khống chế.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết tiêm vaccine là quá trình kích thích cơ thể tạo ra kháng thể miễn dịch. Do đó, trẻ cần tiêm chủng đúng lịch để có kháng thể chống lại mầm bệnh tốt nhất.
Nhiều loại vaccine có thể tiêm nhắc trễ lịch, trẻ vẫn có đủ kháng thể. Đối với một số loại vacicne, nếu tiêm nhắc quá trễ, kháng thể miễn dịch giảm đi gần bằng không, buộc phải tiêm lại từ đầu. Ví dụ vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ 3 mũi cơ bản và mũi nhắc lại trước 2 tuổi, vẫn có nguy cơ mắc bệnh khi lớn.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo gia đình chủ động cho con tiêm chủng đúng lịch. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng hệ thống tiêm chủng, quốc gia có kế hoạch tiêm chủng tổng thể, trong đó có vấn đề cung ứng vaccine.
"Vaccine và tiêm chủng sẽ góp phần làm cho trẻ em khỏe mạnh, bảo vệ thành quả thanh toán bệnh tật của Việt Nam", bác sĩ Chính nói.
Chi Lê
Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC hiện có hơn 40 loại vaccine phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm, đặc biệt các vaccine được khuyến cáo tiêm chủng hiện nay như: cúm mùa, phế cầu khuẩn, ho gà - bạch hầu - uốn ván, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, viêm gan A+B,... với giá ưu đãi. Tất cả vaccine được bảo quản ở hệ thống kho lạnh và dây chuyền lạnh (Cold chain) đạt chuẩn Quốc tế GSP, đảm bảo quy trình tiêm chủng vaccine an toàn và chất lượng cho tất cả trẻ em và người lớn.
Tại VNVC, khi đăng ký tiêm chủng cho trẻ, hệ thống sẽ tự động gửi tin nhắn đến các phụ huynh để nhắc lịch tiêm, hạn chế việc bố mẹ bỏ lỡ những mũi tiêm quan trọng của trẻ.