Miền Trung những ngày này trời nắng như đổ lửa, nhiệt độ dự báo từ 39 đến 40 độ C, nhưng nếu ra ngoài trời, nhất là mặt đường nhựa, đường xi măng hoặc giữa các nhà bê tông thì chắc chắn nhiệt độ thực tế còn cao hơn rất nhiều. Nhiệt độ cao cộng thêm gió Lào thổi, độ ẩm không khí rất thấp, nên ngồi đâu, đi đâu cũng cảm thấy nóng nực, khó chịu.
Ở quê tôi, vùng nông thôn đang đô thị hóa rất nhanh, đời sống người dân khá hơn trước cho nên số nhà xây, mái ngói ngày càng nhiều và hầu như không còn nhà tranh như mấy chục năm về trước. Mật độ dân số đông, nhu cầu mua đất làm nhà ở ngày càng nhiều, lẽ dĩ nhiên là đất canh tác, đất nông nghiệp được chuyển đổi sang đất ở, cây cối sẽ bị chặt hạ, thay vào đó là những mái ngói, những nền gạch bê tông hay các mái tôn nóng bỏng.
Còn nhớ những năm 1990 trở về trước, trong làng cây cối rất nhiều, có nhiều loại cây bụi hoặc cây cổ thụ khá to như tre, sung..., tỏa một vùng rộng bóng râm, làm giảm bớt cái nóng của ngày hè. Bờ rào ngăn cách giữa nhà này với nhà khác cũng là những dãy cây xanh có phủ dây tơ hồng trông rất đẹp. Bây giờ thì khác hẳn, hàng rào xanh nay không còn, thay vào đó là bức tường gạch xi măng khô khốc, chỉ được hữu ích là vững chãi, gọn gàng, nhưng tính chất bảo vệ môi trường đã giảm đi rõ rệt.
>> Cả xóm chịu ngập vì cái sân bê tông
Tôi không phải là người đi ngược lại xu thế phát triển chung của xã hội. Tôi chỉ nhìn nhận và dám nêu lên những điều mà người khác biết là bất cập nhưng không dám phản ánh. Ngày nay, đi đến bất cứ một cơ quan, một khu vui chơi giải trí nào, chúng ta cũng đều nhận thấy mặt bằng được bê tông hóa hoàn toàn.
Kế bên nhà tôi ở là một trường tiểu học. Cũng ngôi trường này cách mấy chục năm về trước, các phòng học là những dãy nhà cấp bốn, có phần đơn sơ hơn so với hiện tại, nhưng về khuôn viên, về cảnh quan môi trường thì rất tốt. Sân trường ngày ấy có thảm cỏ, có cây to che bóng mát như cây phượng, cây bàng. Mỗi khi đến giờ ra chơi, lũ học sinh chúng tôi thoải mái chơi những trò chơi dưới bóng mát của các cây đó.
Nhưng bây giờ, dãy nhà cấp bốn xưa kia được thay bằng các dãy nhà tầng kiên cố, bờ rào xung quanh được thay bằng tường gạch, và đặc biệt nhất là cái khoảng sân cỏ rộng ngày trước cũng được lát gạch. Mặc dù nhà trường đã trồng những hàng cây xanh mới nhưng cây lớn rất chậm do diện tích đất trồng bị thu hẹp, khoảng cách giữa các cây khá xa nên chờ đợi sự khép tán giữa chúng là một điều rất khó. Trông trường bây giờ có vẻ khang trang, hiện đại đấy, nhưng trong những ngày nắng nóng này, đố ai dám ngồi nghỉ dưới gốc cây trên sân trường?
Có những khu vui chơi cho thiếu nhi ở ngoài trời được người ta lát gạch toàn bộ, trưa hè nắng chang chang đi qua nhìn thấy đã sởn da gà. Những nhà văn hóa thôn, bóng cây che năng thưa thớt, người ta chỉ đặt những chậu cây hoa giấy nhỏ. Nắng nóng gay gắt, khí hậu càng khô khan thì việc sử dụng các thiết bị làm mát như điều hòa, tủ lạnh, quạt... càng nhiều, tiền điện theo đó mà tăng theo. Tôi và các bạn có thể kể ra đây không biết bao công trình như vậy, mà không phải chỉ ở quê tôi mới như vậy đâu, nhiều lắm.
>> Vòng luẩn quẩn 'bê tông hóa - bật điều hòa'
Chúng ta biết rằng, khí hậu trái đất ngày một khắc nghiệt, nắng nóng, mưa bão thất thường. Và tác động của con người là nguyên nhân chính dẫn đến những hậu quả đó. Ngày nay, đô thị hóa nhanh, diện tích rừng, diện tích cây xanh giảm rất nhanh chóng. Nhà bê tông, mặt đường nhựa nhiều lên dẫn đến hiệu ứng đô thị khi nắng nóng. Trong khi đó, xây dựng nông thôn mới hiện nay lại chưa chú trọng trồng cây xanh trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Theo tôi, cần đưa nội dung này lên hàng đầu, cần yêu cầu các đường làng, ngõ xóm, khu vui chơi, sân công sở... phải trồng nhiều cây xanh hơn nữa. Chọn loại cây trồng phù hợp với địa điểm cần trồng, như sân bãi vui chơi thì trồng cây bàng, cây phượng, đường làng ngõ xóm thì nên trồng cây hoa dẻ...
Bạn thử hình dung xem, khi đi trên đường mà hai bên đường có các hàng cây xanh tỏa bóng im mát, khi vào một sân công sở nào đó giữa ngày hè mà mặt sân có những khoảng trồng thảm cỏ, cây xanh tỏa bóng thì có dễ chịu hơn không, tâm hồn con người có thư thái hơn không, làm việc có hiệu quả hơn không? Chắc chắn là có đấy.
Tôi nghĩ để vấn đề này có hiệu quả thì cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp trên, chứ để người dân tự giác làm thì còn lâu lắm. Mỗi năm, vào dịp Tết trồng cây, lãnh đạo các địa phương cần phải phát động phong trào nhà nhà trồng cây, người người trồng cây, các cơ quan, doanh nghiệp trồng cây... Có như vậy thì chỉ cần một vài năm, Việt Nam chúng ta sẽ có thể trở thành một quốc gia xanh, thân thiện với môi trường.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.