Bóng đá chuyên nghiệp được xây dựng trên nền tảng tiền bạc, nên nếu một CLB không đáp ứng các tiêu chí bắt buộc về tài chính, thì đương nhiên phải dừng cuộc chơi. May mắn cho V-League khi mùa giải 2021 bị hủy bỏ, nếu không thì mọi thứ còn sẽ phức tạp hơn vì tình hình của Quảng Ninh đã ở trong tình trạng không thể cứu vãn.
Không ai muốn một đội bóng có thực lực, thành tích tốt như Quảng Ninh bị loại khỏi sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam. Nhưng cánh cửa này đóng, thì cánh cửa khác sẽ mở ra. Số phận một nền bóng đá không hoàn toàn phụ thuộc vào việc có dự V-League hay không. Quảng Ninh là đội bóng được phát triển từ hạng thấp, tiến dần lên đỉnh cao và chứng tỏ được khả năng trụ lại. Sáu năm đá V-League, những đầu tư hạ tầng vẫn còn đó, bầu không khí bóng đá cũng đã được xây dựng. Nếu phải lùi một hoặc hoặc bước để tiến, thì việc trở lại V-League không phải quá khó với bóng đá đất mỏ.
Quảng Ninh cũng chẳng phải là trường hợp đầu tiên. Số lượng các CLB chia tay V-League mà không biết bao giờ quay trở lại trong 20 năm qua đã đủ để tổ chức một... V-League khác. Xét về truyền thống, có những cái tên còn lừng lẫy hơn Quảng Ninh nhiều, ví dụ như An Giang, Đồng Tháp, Huế, Khánh Hòa... Thế nhưng, "cái chết" của Quảng Ninh là một trường hợp hoàn toàn khác, vì nó có thể là "phát súng lệnh" cho một cuộc cải tổ sâu rộng nền bóng đá, hoặc cũng có khi, sẽ dẫn đến cuộc sụp đổ domino đẩy V-League đến kết cục tồi tệ nhất.
Trường hợp Quảng Ninh không bình thường ở chỗ, đó là cuộc "tự sát" trên đỉnh cao. Công thức chung của các đội bóng từng "biến mất" khỏi V-League đó là thiếu tiền rồi dẫn đến thành tích kém phải xuống hạng và không còn đủ khả năng gượng dậy. Đại loại, đó là những cuộc chia tay chẳng để lại nhiều tiếc nuối nào cả. Trong khi đó, ngoại trừ mùa giải đầu tiên thăng hạng 2014 chơi không thành công vì non kinh nghiệm, từ năm 2015 Quảng Ninh luôn nằm trong top 4 đội mạnh nhất V-League. Mùa 2016 và 2020, họ đua vô địch đến tận vòng áp chót. Ngay mùa giải khủng khoảng tài chính nghiêm trọng này, Quảng Ninh cũng gần chắc suất lọt vào nhóm 6 đội tranh chức vô địch, đồng nghĩa với trụ hạng từ sớm.
Đấy chính là vấn đề. Đầu tư vào bóng đá ở Việt Nam chủ yếu là để đạt thành tích cao, tranh đua vô địch mỗi năm, chứ không có nhiều lợi ích về tài chính. Nếu làm một phép tính đầu tư, thì Quảng Ninh đang ở tiêu chuẩn tốt hơn mức mong đợi. Nói hình tượng, họ mà đi thi Shark Tank thì rất dễ được các ‘Cá mập" rót vốn. Có những đội bóng như Xi Măng Hải Phòng, FLC Thanh Hóa trước đây từng tốn đến trên dưới 100 tỷ đồng mỗi năm mà chẳng thể vô địch. Hoặc như tân binh Topend Land Bình Định, nhận khoản tài trợ 300 tỷ trong ba năm nhưng có lẽ cũng chỉ nghĩ đến những gì Quảng Ninh đã đạt được trong bốn năm qua mà thôi.
Có hai điều vô cùng nghiêm trọng từ sự kiện của Quảng Ninh. Câu hỏi thứ nhất: một đội bóng giàu tiềm năng, có sẵn bệ phóng thành công như vậy mà vẫn không đủ sức thu hút nguồn lực đầu tư, thì làm sao lạc quan tin rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đổ hàng trăm tỷ đồng để làm bóng đá từ con số 0? Và quan trọng hơn là câu hỏi thứ hai: Vì sao bóng đá Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố tương tự, với các trường hợp của Vissai Ninh Bình, Navibank Sài Gòn, Kienlong Bank Kiên Giang... nhưng cho đến lúc này vẫn để xảy ra sự kiện Quảng Ninh? Những "học phí chuyên nghiệp" của mười năm trước chưa đủ hay sao, còn lãng phí đến bao giờ?
Thế nên, người bi quan hoàn toàn có thể lo ngại về một cuộc sụp đổ domino đối với nền tảng bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Quảng Ninh là một trong những đội bóng vẫn bị xem là nằm trong nhóm "5 đánh 1", tức là có sự hậu thuẫn từ Hà Nội FC và cá nhân bầu Hiển. Không ít liên tưởng đến trường hợp của Quảng Nam, khi họ rớt hạng chỉ ngay sau khi vô địch hai năm và cũng rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính sau khi không còn gắn tên với doanh nghiệp QNK chuyên về khoáng sản được cho là liên quan đến bầu Hiển. Nếu Quảng Ninh là một phiên bản của Quảng Nam, thì rất dễ hình dung đến số phận Hồng Lĩnh Hà Tĩnh hay thậm chí SLNA vốn đang chuyển giao cho chủ mới. Có dư luận vẫn cho rằng bầu Hiển đang thao túng V-League, nhưng cũng có không ít người đặt câu hỏi rằng, nếu bầu Hiển không làm như vậy thì liệu V-League có tốt hơn không?
Sự sụp đổ tiềm tàng ấy không phải vì bầu Hiển "chán bóng đá" mà vì cơ chế kiểm soát cũng như cách làm bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam có vấn đề. Sự kiện Quảng Ninh một lần nữa cho thấy, nhiều CLB ở V-League đều ở trong tình trạng tự buộc dây treo mình, chỉ cần gặp những biến cố về kinh tế thì coi như "cắt dây" rơi xuống vực thẳm. Nhiều năm qua, trả ‘học phí" không đếm xuể, nhưng sự tồn vong của một CLB vẫn chẳng có gì thay đổi. Bản chất vẫn là "mượn vốn đi đá" nên "sống trên các khoản nợ". Cho dù bóng đá Việt Nam có đặc thù riêng, hầu như không thể áp dụng được bất kỳ mô hình nào từ những quốc gia tiên tiến, nhưng lẽ ra sau 20 năm làm bóng đá thì cũng phải đúc rút ra một công thức nào đó để ít nhất tránh cho hệ thống thi đấu đỉnh cao bị tổn thương theo kiểu đã biết trước như thế này.
Tuy vậy, nếu lạc quan một chút, sẽ thấy trong trường hợp Quảng Ninh, VFF đã thể hiện một sự dứt khoát hiếm có khi chấp nhận V-League sẽ bị sụt giảm số lượng. Có lẽ chính họ cũng lường trước khả năng sau Quảng Ninh sẽ còn một vài cái tên khác rời bỏ cuộc chơi. Nếu các nhà quản lý của bóng đá Việt Nam thực sự nghĩ rằng V-League cần chất hơn cần lượng, thì sự kiện Quảng Ninh có thể xem là "phát súng lệnh" để VFF siết chặc hơn các tiêu chuẩn chuyên nghiệp, hướng đến một nền bóng đá minh bạch về tài chính để đón nhận các dòng vốn đầu tư dài hạn.
Song Việt