V-League không phải yếu tố duy nhất thay đổi được đẳng cấp bóng đá Việt Nam. Muốn vươn lên nhóm đầu châu Á và lọt vào World Cup, cần nhiếu yếu tố quan trọng khác nữa, như thể lực, thể hình, kinh nghiệm, bản lĩnh... Có nhiều khía cạnh trong đó cần thêm thời gian. Nhưng rõ ràng, V-League trước mắt phải hấp dẫn hơn, thu hút người xem nhiều hơn, qua đó mới có doanh thu tái đầu tư cho hệ thống đào tạo, thi đấu. Không thể đá sân "mặt ruộng", phơi nắng xem bóng đá, chạy tiền từng bữa để trả lương và không đào tạo cầu thủ... mà mơ dự World Cup.
Thực ra, V-League cũng có chỗ đứng riêng của nó nếu nhìn vào trường hợp của Nam Định. Không có tuyển thủ quốc gia, không có tài chính mạnh, bốn mùa lên chuyên chỉ để tranh đấu trụ hạng, nhưng sân Thiên Trường luôn dẫn đầu về số lượng khán giả. Dường như mọi câu trả lời cho việc "làm sao để V-League bớt nhạt" đều nằm ở trường hợp của Nam Định, nhưng các nhà quản lý lại bỏ quên nó trong quá trình loay hoay tìm cách nâng chất V-League.
Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng các trận đấu của Nam Định thu hút được khán giả có một phần nguyên nhân đến từ việc... tranh đấu trụ hạng của họ. Ở bất kỳ giải đấu nào trên thế giới, số lượng các đội đua vô địch bao giờ cũng ít hơn những đội đá để trụ hạng. Hay nói cách khác, những trận đấu của nhóm cuối có ý nghĩa chẳng khác gì các trận đấu của nhóm đầu. Không CĐV nào ở thành Nam đủ lạc quan đến mức nghĩ đến chuyện đội nhà vô địch, họ đến sân Thiên Trường để cổ vũ các cầu thủ của HLV Nguyễn Văn Sỹ "góp nhặt" từng điểm số. Đá với đội càng mạnh, lại càng đến sân đông hơn, vì họ tin rằng các cầu thủ cần có thêm sức mạnh từ khán đài. Một đội bóng như Nam Định thường có nhiều đối thủ cùng cảnh ngộ. Điều này dẫn đến số trận đấu "có ý nghĩa" tại sân Thiên Trường nhiều hơn sân Hàng Đẫy khi Hà Nội FC thi đấu.
V-League có 14 đội nhưng thường chỉ có 1,5 suất xuống hạng, chiếm tỷ lệ khoảng 10%. Con số này có thể là tương đương với những giải đấu hàng đầu châu Âu, nhưng có nhiều khác biệt. Ở các nền bóng đá mạnh, ngoài chức vô địch còn một cuộc đua top 4, top 6 để giành vé dự các giải đấu quốc tế cấp CLB. Như vậy, nếu ở V-League chỉ có 3-4 đội hướng đến một mục tiêu duy nhất thì tại châu Âu, trong nhóm đầu bảng có đến gần chục đội bóng thi đấu với những mục tiêu rõ ràng và xuyên suốt mùa giải. Chắc chắn, số trận đấu "có ý nghĩa" sẽ xuất hiện dày đặc trong từng vòng, kéo dài đến tận cuối mùa. Đấy là chưa nói đến chuyện ở một số giải, thứ hạng các đội bóng còn liên quan đến tiền thưởng, thu nhập bản quyền...
Ngược lại ở V-League, như năm 2018 Hà Nội FC gần như vô địch ngay sau lượt đi, dẫn đến việc suốt cả 13 trận lượt về mùa đó chỉ tồn tại cuộc đua trụ hạng, vốn cũng chỉ có 3-4 đội đua tranh với nhau. Và, có đến 5-6 đội ở lượt về mùa đó ra sân không động lực gì cả. Họ dư dả điểm số, nhưng không thể theo kịp Hà Nội FC, nên chỉ cần ra sân đá theo kiểu đừng để thua là trụ hạng dễ dàng.
Số tiền thưởng của chức vô địch V-League không nhiều, có cố gắng vươn lên đứng top 3, top 4 cũng chẳng đem lại lợi ích đặc biệt nào, nên số lượng trận đấu "có ý nghĩa" của nhóm trên càng ít ỏi. Điều này không chỉ làm cho số trận "có ý nghĩa" ở bên dưới cũng ít do có nhiều đội "dư điểm trụ hạng" từ sớm, mà còn dễ phát sinh tiêu cực trong thi đấu qua hiện tượng "nhường điểm" hoặc các cầu thủ "tát nước theo mưa" bằng cách cá cược tỷ số.
Còn có những con số khác đáng suy ngẫm. Năm 2015, khi Bình Dương vô địch V-League lần thứ tư trong vòng 10 năm làm bóng đá, khán giả trung bình trên sân Gò Đậu là 8.500 người một trận. Nhưng từ năm 2017, sân bóng rộng lớn nằm ngay trung tâm của vùng dân cư đông đúc này chỉ đón trung bình 4.500 người đến sân mỗi trận. Bình Dương không còn đầu tư cho việc vô địch V-League nhưng vẫn quá mạnh để chẳng phải lo trụ hạng. Chỉ cần 21 điểm là trụ hạng tại V-League, nên nỗ lực thực sự họ bỏ ra vào khoảng 30% số trận cả mùa là đủ.
Hoặc như mùa 2019, Sài Gòn FC cạnh tranh chức vô địch cho đến vòng cuối cùng nhưng lượng khán giả trung bình của họ lại xếp chót bảng với chỉ 3.721 người mỗi trận, trong khi ba trong số năm sân bóng có khán giả đông nhất lại thuộc về các đội tranh đấu trụ hạng mùa đó là Nam Định, Đà Nẵng và Thanh Hóa. Tất nhiên, không có phải đội bóng nào tranh trụ hạng cũng đều có lượng khán giả đông như Nam Định. Vì đâu có người hâm mộ nào muốn đến sân chỉ mong đội nhà đừng thua. Nhưng, đây là một vấn đề khác của V-League, liên quan đến yếu tố địa phương và cách làm bóng đá của từng CLB.
Để chất lượng của giải đấu tăng lên, điều quan trọng là số trận đấu "có ý nghĩa" của nhóm trên phải nhiều hơn. Tỷ lệ rớt hạng của V-League với 1-2 suất mỗi mùa là vừa phải, nhất là khi số lượng CLB ở giải hạng Nhất ít hơn V-League. Hơn nữa, các trận đấu ở nhóm trụ hạng thường nghiêng về hướng khốc liệt, thực dụng thay vì cống hiến, tấn công để có thể thu hút khán giả. Nhưng từ khi V-League ra đời, các nhà tổ chức chưa có nhiều sáng kiến mang tính đột phá để có thể cải thiện tình hình.
Song Việt