- Đã có rất nhiều lý do được đưa ra để lý giải cho thất bại của Việt Nam qua bốn trận đầu tiên ở bảng B vòng loại World Cup 2022 - khu vực châu Á. Cá nhân anh thì thế nào?
- Tôi nhập tịch năm 2011, đến nay đã mười năm. Vì vậy, tôi cũng cảm thấy tự hào khi Việt Nam lần đầu vào đến vòng loại cuối cùng của một kỳ World Cup.
Trên phương diện của một người hâm mộ, ai cũng muốn đội tuyển đá hay, đá đẹp và đá thắng. Nhưng, trong bóng đá, đâu phải cứ muốn là được. Có thể thấy các cầu thủ Việt Nam vẫn thiếu kinh nghiệm và tâm lý kém. Những điều đó rất dễ bộc lộ, dẫn đến lúng túng rồi mắc sai lầm khi ra sân chơi lớn, gặp các đối thủ mạnh. Bên cạnh đó là vấn đề muôn thuở về tầm vóc và thể lực, khiến cầu thủ Việt Nam thua thiệt trong tranh chấp, cả dưới đất lẫn trên không. Thua thiệt đủ đường như thế, chẳng có gì bất ngờ và đáng xấu hổ khi thất bại cả.
- Thế còn việc bốn lần bị thổi phạt đền chỉ qua bốn trận ở vòng loại thứ ba thì sao? Nhiều ý kiến cho rằng đó là những thói quen xấu được các cầu thủ hình thành trong môi trường V-League?
- Đừng thấy cái gì xấu cũng đổ cho V-League. Tôi nói thật, V-League bây giờ khác trước rất nhiều, nó đã hoàn toàn thay đổi. Cách đây hơn 5 năm, khi tôi còn thi đấu, các cầu thủ đá rất xấu. Ví dụ như SLNA. Tôi chạy nhanh, họ không thể theo bóng là kiểu gì cũng nhắm chân để đá. Trọng tài nhiều lúc cũng bỏ qua, nên tình trạng cứ thế kéo dài và không răn đe được các cầu thủ. Nhưng hiện nay, các cầu thủ Việt Nam đều rất fair-play. Như Quế Ngọc Hải hay Đỗ Duy Mạnh, ngày trước có thể còn non nớt và đá dựa vào sức mạnh, nhưng ở V-League bây giờ, họ đều là những trung vệ chơi kỹ thuật, đầu óc.
Tôi không phủ định tất cả, nhưng thói quen thì ở đâu cũng có chứ không chỉ môi trường bóng đá. Có chăng, ảnh hưởng từ V-League vào đội tuyển Việt Nam là chút xíu thôi, chứ không phải hoàn toàn. Việc chịu nhiều phạt đền chủ yếu do thiếu kinh nghiệm và kém thể lực, mà thua thiệt trong một tích tắc thôi cũng có thể dẫn đến phạm lỗi.
- Vậy có cách nào để sớm khắc phục tình trạng hiện nay?
- Chỉ có cách phòng ngự từ xa, thậm chí phạm lỗi từ giữa sân để hạn chế các đợt tấn công của đối thủ, còn vào vòng cấm thì cần tránh sai sót. Bởi bây giờ có VAR rồi, rất khó thoát nếu phạm lỗi.
Tuy nhiên, có một thực tế là bóng đá Việt Nam mới phát triển ở Đông Nam Á vài năm gần đây, còn ra sân chơi châu Á và thế giới thì chưa là gì cả. Khi gặp những đối thủ cao to, tốc độ và trình độ cao của Saudi Arabia, Australia, Oman hay Trung Quốc, các cầu thủ bắt đầu ngợp, không giữ được bình tĩnh. Mà đấy mới là các đối thủ châu Á, chứ gặp các đội Nam Mỹ, còn dễ bị đưa vào bẫy nữa. Cho nên Việt Nam được vào vòng loại thứ ba là thành công rồi, đừng đòi hỏi và trách móc các cầu thủ nhiều quá. Họ có muốn cũng không thể đi xa hơn được đâu.
- Thế còn tương lai lâu dài, làm thế nào để Việt Nam có thể tiến xa vì dự World Cup luôn là giấc mơ đối với người hâm mộ?
- Tôi cũng đang lo giúp các bạn đây (cười). Muốn đi xa thì sau lưng lứa cầu thủ hiện tại phải có hai, ba lứa cầu thủ trẻ tốt hơn nữa. Nhưng tôi không biết phía sau Công Phượng, Văn Toàn, Tiến Linh, Quang Hải... là ai, khi độ tuổi thi đấu của họ đã chín muồi. Việt Nam phải có nhiều lứa cầu thủ chất lượng nối tiếp nhau để hình thành nên một đội tuyển có chiều sâu và mang tính kế thừa.
Cũng cần nhiều cầu thủ xuất ngoại nữa. Ở Nigeria, các cầu thủ trẻ được ra nước ngoài thi đấu rất nhiều. Họ ban đầu chỉ đến các giải nhỏ như Bồ Đào Nha, Bỉ, Hy Lạp, Hà Lan... rồi từ từ sang các giải lớn. Đó là một quá trình dài, từ việc chỉ được tập luyện rồi ngồi dự bị, đôi khi vào sân từ hiệp hai và sau đó phấn đấu đá chính. Các nước khác cũng thế thôi. Son Heung-min cũng thi đấu nhiều năm ở Đức rồi mới nổi danh tại Tottenham, hay Wu Lei cũng vô cùng vất vả mới tìm được chỗ đứng ở Espanyol.
Còn Việt Nam? Cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Hậu... chưa ra nước ngoài đã được tâng bốc, đồn thổi. Người hâm mộ thì luôn kỳ vọng thái quá, đòi hỏi khi sang châu Âu phải được ra sân, phải đá chính ngay tức thì... Những điều đó gây ra áp lực lớn, khiến cầu thủ Việt Nam không thể tồn tại được ở nước ngoài. Đặt giả thiết trong đội hình của chúng ta có năm, sáu cầu thủ đang chơi bóng ở châu Âu, mọi chuyện sẽ khác ngay. Họ ít nhất cũng truyền đạt được kinh nghiệm ở môi trường lớn vào đội tuyển. Chứ bây giờ toàn cầu thủ nội địa, kinh nghiệm chỉ quanh quẩn Đông Nam Á thì làm sao đối đầu với các cầu thủ thi đấu ở nước ngoài được.
- Ngoài những thua thiệt về con người, anh nghĩ thế nào về việc Việt Nam thường chịu bất lợi trong các phán quyết của trọng tài?
- Ý bạn là trọng tài có xử ép Việt Nam không? Có đấy. Nhưng, đều có nguyên do. Tôi hỏi bạn nhé, tại sao chưa một nước châu Phi hay châu Á nào vô địch World Cup? Đó là một câu hỏi lớn, nhưng theo tôi, cũng một phần vì các đội tuyển cửa dưới thường thua thiệt, không được đánh giá cao nên dễ bị xử ép ở các giải đấu lớn. Nếu Việt Nam có nhiều cầu thủ đang chơi bóng ở châu Âu như Son Heung-min, Wu Lei... trọng tài nhìn vào sẽ nể hơn. Tôi nói thật, Việt Nam chưa vào sân đã nắm phần thua đến 40% rồi. Bóng đá có luật chơi của nó. Họ thường bênh vực đội mạnh, đội có nhiều ngôi sao hơn vì còn liên quan đến nhiều thứ khác, như thương mại chẳng hạn...
Còn các cầu thủ Việt Nam, bây giờ mới học về VAR, thì chịu làm sao được. Khi nào hay hơn VAR, hay hơn trọng tài 200% thì mới có thể trăm trận trăm thắng. Còn hiện tại, đừng đổ lỗi mà phải biết chấp nhận thực tế.
Amaobi Uzowuru Honest sinh ngày 19/9/1981, tại Nigeria. Anh nhập quốc tịch Việt Nam năm 2011, lấy tên là Đặng Amaobi. Trong 18 năm sống ở Việt Nam, Amaobi thi đấu cho Nam Định (2004, 2009), Đà Nẵng (2005, 2008), Bình Dương (2006, 2007, 2010), Ninh Bình (2008), An Giang (2010), Bình Định (2011), Thanh Hoá (2014). Sau khi giải nghệ năm 2016, anh làm công tác tào tạo trẻ tại một trung tâm bóng đá ở TP HCM. |
Đức Đồng