Trả lời:
Về mặt giải phẫu, nhãn cầu nằm trong hốc mắt và được bao phủ phía ngoài là mi, bên trong là tổ chức hốc mắt và các cơ vận nhãn bám vào thành nhãn cầu. Tổ chức hốc mắt lỏng lẻo được nuôi dưỡng bằng rất nhiều mạch máu, đặc biệt là da mi. Vì vậy, những thay đổi trong cơ thể nhiều khi được biểu hiện ở mi mắt. Ví dụ, khi cơ thể bị phù nề thì nơi phù sớm nhất là mi mắt. Nếu có xuất huyết trong hốc mắt (sau một chấn thương đụng dập như bị đấm, bóng bật vào, quả cầu lông bắn vào mắt...) thì mi mắt có thể thâm tím.
Trường hợp của em do thức khuya nhiều để học bài, quầng mắt bị thâm lại là do bị thiếu ôxy trong máu. Hiện tượng này gặp ở nhiều người, thậm chí không thức khuya mắt vẫn bị thâm. Em nên học tập điều độ, không nên thức quá khuya. Buổi tối trước khi đi ngủ nên tập thể dục dưỡng sinh như hít thở không khí trong lành, hít thở sâu và ngủ ngon giấc. Hằng ngày em có thể tự massage mắt cho mình bằng cách: xoa hai bàn tay cho nóng, sau đó nhẹ nhàng xoa lên mi mắt, vuốt nhẹ về hai bên nhiều lần.
TS. Võ Văn Phi, Sức Khỏe & Đời Sống