- Sau 10 ngày đứng ra kêu gọi giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn của giới làm phim, anh nhận được sự ủng hộ ra sao?
- Tôi có ý định kêu gọi quyên góp khi thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 9/7, nhiều nhân viên trong tổ sản xuất, điều phối, âm thanh - ánh sáng của các đoàn lâm cảnh bế tắc. Đa phần họ là lao động tự do, nhận thù lao từng phim, không có lương cố định lẫn công ty chủ quản. Khi dịch bùng phát, nhiều người phải chạy từng bữa cơm, lo tiền thuê trọ hàng tháng. Ban đầu, tôi hỏi thăm những người từng làm chung ê-kíp, xem họ có khó khăn gì không thì san sẻ cho nhau. Chúng tôi đăng một đường link để người cần giúp đỡ đăng ký, sau đó hỗ trợ thông qua hình thức chuyển khoản, mỗi hoàn cảnh nhận được 1,5 triệu đồng.
Điều tôi xúc động là vừa lên tiếng, nhiều đạo diễn, diễn viên lẫn nhà sản xuất sẵn sàng ủng hộ. Số tiền quyên góp đến ngày 19/7 là hơn một tỷ đồng, có thể giúp đỡ cho gần 700 hoàn cảnh trên tổng số hơn 1.100 người đăng ký. Điều đó khiến tôi thương và biết ơn nghề của mình hơn.
- Câu chuyện nào khiến anh cảm động những ngày qua?
- Tôi không ngờ là đợt dịch này, nhiều đồng nghiệp mình khó khăn quá. Họ thất nghiệp, nơi ở bị phong tỏa. Có những trường hợp, khi nhận được chuyển khoản, họ nhắn tin cảm ơn và kể về hoàn cảnh, tôi mới nhận ra họ khốn khổ hơn tôi tưởng nhiều. Một nhóm cascadeur nói với tôi chỗ trọ của họ bị giăng dây, trong đó có một em bị chấn thương sọ não. Họ chỉ dám đăng ký một suất cho người này, tương đương 1,5 triệu đồng, để mua lương thực ăn qua ngày. Tôi đề nghị chuyển thêm, nhưng họ từ chối, nói số tiền đó đã đủ sống một tháng. Các em nói, qua dịch sẽ đi làm kiếm tiền trở lại, còn bây giờ muốn nhường cho những hoàn cảnh khác.
Một người em khác tôi vốn quen ở đoàn làm phim nhưng chỉ biết biệt danh, khi đăng ký cậu ấy dùng tên thật nên tôi không nhận ra. Sau khi nhận tiền hỗ trợ, em ấy nhắn cho tôi: "Vợ chồng em và con trai năm tháng tuổi cảm ơn anh rất nhiều. Chưa bao giờ em thấy số tiền 1,5 triệu đồng quý giá như lúc này". Đọc tin nhắn, tôi ứa nước mắt vì không ngờ cậu ấy - một người luôn tràn đầy năng lực tích cực trong ê-kíp - lại đến lúc gặp hoàn cảnh như vậy.
- Anh gặp khó khăn nào trong quá trình quyên góp?
- Rào cản lớn nhất là khâu chứng thực thông tin. Hơn 1.000 người xin được giúp đỡ nhưng chúng tôi chỉ hướng đến giới làm phim vì tiền quỹ có hạn. Tôi và các cộng sự gọi đến các tổ trưởng của ê-kíp làm phim để kiểm tra kỹ các hoàn cảnh trước khi chuyển khoản. Chúng tôi ưu tiên những người có tuổi, sức khỏe yếu, có con nhỏ, trong khu vực cách ly, cống hiến nhiều cho nghề...
Rất may, tôi được các anh em hỗ trợ nhiệt tình. Khi tôi nêu ý tưởng trên trang cá nhân, nhiều em ở bộ phận sản xuất, trợ lý của các hãng, đoàn phim nhắn tin tự nguyện giúp điều hành quỹ. Tôi nhận nhiệm vụ trả lời tin nhắn những mạnh thường quân chuyển tiền quyên góp, còn các em làm các khâu thống kê, kiểm tra thông tin. Cả nhóm 19 người chia việc để làm nên mọi thứ không đến nỗi vất vả.
- Công việc của anh bị ảnh hưởng ra sao sau hơn hai tháng dịch bùng phát trở lại?
- Chúng tôi phải hoãn dự án điện ảnh Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh - dự kiến ra mắt cuối năm, tôi làm đồng sản xuất. Phim đã quay đến những phân đoạn cuối, chưa hoàn tất thì dịch bùng phát, ngưng lịch ghi hình mấy lần. Tôi đang giữ vai trò đạo diễn một tác phẩm và làm sản xuất hai dự án, đều ở giai đoạn hoàn chỉnh kịch bản, trong đó có tác phẩm Đất rừng Phương Nam phiên bản điện ảnh. Song giờ mọi việc đành phải ngừng lại. Chúng tôi dự định hết giãn cách bắt đầu casting và xây dựng bối cảnh cho phim.
- Anh tìm lối thoát ra sao cho các dự án của mình?
- Thú thực, tôi cũng không biết làm gì ngoài việc chờ đợi. Hiện nay, các đoàn phim không thể đi ghi hình, nên thời gian dài, chúng ta sẽ không có sản phẩm mới cho các nền tảng trực tuyến. Với tôi, phim trực tuyến được sinh ra để có thêm một ngạch kinh doanh, chứ không phải là lối thoát. Mỗi nền tảng phát hành sẽ có những hướng đi riêng hơn là thay thế nhau.
Chúng tôi, những nhà làm phim, lúc này chỉ có thể ngồi viết kịch bản, bàn ý tưởng, mong sau khi cuộc sống bình thường trở lại mới có thể được đi làm. Nghề đạo diễn không đi làm mỗi ngày, một năm đi quay và đến hãng phim cộng lại thì tầm vài tháng. Việc ở nhà một, hai tháng chưa đến nỗi khổ sở, vì khi làm kịch bản chúng tôi cũng ngồi một chỗ thôi. Nếu có điều gì bí bách, thì là việc không được đi đây đi đó, gặp mọi người để có cảm hứng sáng tạo.
- Những ngày ở nhà, anh chọn cách sống ra sao?
- Tôi có nuôi vài con rùa. Tôi thích rùa vì chúng dễ nuôi, khỏe khoắn, hai ngày cho ăn một lần cũng được. Ngoài ra, rùa rất tĩnh lặng, ít đòi hỏi, giống tôi (cười). Trong nhà, tôi để một bức tranh của ba tôi - cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Nhìn bức tranh, tôi cảm giác mình luôn có ba bên cạnh, tôi làm gì ông cũng chứng kiến. Điều đó khiến tôi cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi quyết định một điều gì đó quan trọng.
Tam Kỳ