"Đất phương Nam" phát sóng lần đầu năm 1997, là một trong những phim truyền hình gây ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả nhiều thế hệ. Phim khắc họa chân thực hình ảnh người nông dân Nam bộ trong thời kháng chiến chống Pháp qua hành trình của An - chú bé mồ côi mẹ và đi tìm cha. Đảm nhận vai chính trong phim là An (Hùng Thuận), khi đó 12 tuổi. Hùng Thuận ghi dấu trong lòng khán giả nhờ diễn xuất tự nhiên, trong sáng. Nhiều cảnh quay của An vẫn còn ám ảnh khán giả như cảnh cậu bé nhặt chiếc bánh được vứt đi ở chợ và ăn ngon lành hay khóc trong đêm vì nhớ mẹ. |
Sau khi tốt nghiệp trung học, Hùng Thuận chuyển hướng làm ca sĩ trong một nhóm nhạc nhưng không có ca khúc nào để lại ấn tượng. Anh tiếp tục quay trở lại nghiệp diễn qua nhiều bộ phim truyền hình như "Dòng đời", "Ký ức tuổi thơ", "Cổng mặt trời"... Tuy vậy, anh vẫn chưa vượt qua được cái bóng của cậu bé An năm xưa. Hùng Thuận đôi lần bày tỏ nỗi niềm khi từ một diễn viên nhí nhà nhà biết đến, giờ phải nhận những vai phụ để trang trải cuộc sống. Chuyện đời tư của anh cũng khá long đong. Hùng Thuận từng kết hôn với một fan nữ và có con trai (ảnh). Nhưng cả hai được cho là đã "đường ai nấy đi". |
Cùng bé An, vai thằng Cò của Phùng Ngọc là vai diễn có sức hút lớn với khán giả trong phim "Đất phương Nam". Trong phim, Cò là cậu bé thông minh, pha chút lém lỉnh và rất giỏi bắn ná, thường bên cạnh và giúp đỡ An trong chuyến hành trình tìm cha. Sau "Đất phương Nam", Phùng Ngọc được mời tham gia vào một số phim nhưng cũng như An, diễn xuất của anh không làm khán giả nhớ đến nhiều. |
Cátxê phim không đủ trang trải cuộc sống, anh quyết định quay trở về Bình Dương và tìm nhiều công việc khác mưu sinh như bảo vệ, lái đò, hớt tóc... Nam diễn viên nhí một thời cũng từng lấy vợ nhưng sau đó chia tay khi chưa kịp có con chung. Trải qua nhiều thăng trầm, hiện anh chạy xe ôm ở gần bệnh viện Đa khoa Bình Dương và sống trong căn phòng trọ với giá thuê 400.000 đồng/tháng. Nhiều khán giả là fan ruột của thằng Cò ngày nào tỏ ra ngỡ ngàng và tiếc nuối khi biết được hoàn cảnh sống của anh. |
Trong phim, NSƯT Mạnh Dung vào vai ba của Cò, rất giỏi bắt rắn, tính tình hào sảng, phóng khoáng - đúng kiểu ông già Nam bộ. Khán giả xem phim rất bất ngờ khi biết Mạnh Dung là người gốc Bắc. |
"Ông Ba bắt rắn" từng tham gia giảng dạy tại trường Sân khấu điện ảnh TP HCM nhiều năm và rất tâm huyết trong việc truyền đạt kinh nghiệm cho lớp con cháu. Sau khi nghỉ hưu, ông chỉ nhận lời tham gia những vai diễn nhẹ nhàng. Ông có một cuộc sống có thể gọi là êm đềm nhất trong dàn diễn viên phim "Đất phương Nam". Thỉnh thoảng, khán giả vẫn bắt gặp ông cùng vợ là NSƯT Thanh Dậu đi tập thể dục, đi du lịch để tận hưởng tuổi già. |
Suốt mấy tháng đóng phim nơi vùng sình lầy nước đọng, Lê Quang đã sống cùng nhân vật Võ Tòng. Anh không thể đếm hết những vết sẹo do đạp miểng chai, cọc nhọn hay làm bạn với cá sấu, muỗi, bù mắt... Sau khi kết thúc phim , anh cũng chết danh "Võ Tòng". Nhiều khán giả và đồng nghiệp đều không nhớ tên thật của anh. "Đất phương Nam" đã dành cho Lê Quang một vai diễn để đời. |
Cuộc sống ngoài đời của Lê Quang cũng trải qua lắm bôn ba chìm nổi không khác trong phim. Sau gần 20 năm, anh vẫn cặm cụi những vai phản diện như giang hồ, tướng cướp, vẫn lang bạt nay đây mai đó vì đam mê với nghề. Sở hữu nhiều phim nổi tiếng như "Viên ngọc Côn Sơn", "Trùng Quang tâm sử" đến "Chúa tàu Kim Quy", "Người Bình Xuyên"... nhưng theo Lê Quang, sau khi trang trải chi phí cho những ngày rong đuổi cùng đoàn phim khắp mọi miền, anh không còn tích lũy được gì cho riêng mình. Có khi, anh phải tự mình đóng những pha mạo hiểm để lấy thêm tiền. Mỗi lần giới thiệu là Võ Tòng, anh vẫn được khán giả, đặc biệt là dân miền Tây bày tỏ sự yêu mến. Đó là niềm an ủi lớn cho anh ở tuổi xế chiều. |
Bác Ba Phi là một trong những vai diễn gắn chặt với tên tuổi của nghệ sĩ Mạc Can. Qua tài diễn xuất của Mạc Can, hình ảnh một lão nông miền Nam được khắc họa sâu đậm với sở trường... nói dóc. Kho tàng truyện về rừng U Minh cùng những "biến tấu" mang thương hiệu Ba Phi đã mang lại tiếng cười cho người dân. Nhân vật này như một làn gió mát thổi vào bộ phim giữa những đau thương, mất mát của vùng đất Nam bộ thời chống Pháp. |
Bên cạnh công việc đóng phim, Mạc Can còn là một cây bút và ảo thuật gia được nhiều người yêu thích. Cũng như các diễn viên khác trong "Đất phương Nam", ông chọn cuộc sống phiêu bạt khắp nơi, không nhà cửa, không tài sản, không vợ con. Những hành trang ông tích lũy được trong cuộc sống hàng ngày được ông trút vào trang sách. Bộ phim gần đây nhất mà ông tham gia là "Hiệp sĩ mù", "Mỹ nhân Sài Thành". |
NSƯT Hồ Kiểng cũng là một trong những "ông già Nam Bộ" rất được yêu mến trong phim. Ông vào vai ông Ba Ngù, thường say khướt nhưng có tính tình tốt bụng và rất thương bé An. Dù là vai phụ, ông vẫn nhận được nhiều tình cảm của khán giả bởi khắc họa được chân dung con người miền Tây chân thật, hồn nhiên. |
Trong suốt cuộc đời, Hồ Kiểng tham gia hơn 200 phim, toàn là vai phụ. Năm 2006, ông được trao kỷ lục “Người đóng nhiều vai phụ nhất Việt Nam”. Cũng như các diễn viên khác trong phim, Hồ Kiểng có một sự nghiệp lận đận, gặp nhiều khốn khó nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi nghiệp diễn đến cuối đời. Ngày 3/4/2013, ông qua đời vì bệnh tim, để lại nhiều tiếc thương cho công chúng. |
Vân An