Ở Hà Nội thỉnh thoảng lại có những nhà hàng phở sang trọng hay bình dân mới mở. Nhưng các quán lâu đời vẫn giữ chân được thực khách lâu hơn cả. Phở Sướng vốn nổi tiếng với những người sành ăn hàng chục năm nay. Quán mở vào những năm 1930, có nguồn gốc từ một gánh hàng trên phố cổ có tên "phở cụ Tàu áo xanh".
Đây là quán ăn gia truyền và hiện có cơ sở ở nhiều phố khác nhau. Ngày trước, quán còn có tên là phở Thắng Lợi nhưng vì một vài lý do phải đóng cửa. Cách đây 30 năm, quán mở lại và lấy tên là phở Sướng.
Mỗi lần đến địa chỉ quán ở đường Nguyên Hồng (Hà Nội), khách hàng đều bị tấm biển: "Vì sao lại sướng?" đặt ngay trước quán gây chú ý. Đây cũng là câu hỏi được nhiều người thắc mắc. Tuy vậy, sau khi dùng xong bát phở, hầu hết thực khách đều có câu trả lời chung: "Vì phở ngon".
Ở đây, bánh phở là loại bản to, không quá mỏng như ở nhiều nơi khác nên ngấm nước dùng mà không bị nát. Thịt bò cũng được thái mỏng nên chần sơ qua là mềm và ngọt. Nước dùng có vị đậm và thơm nhờ xương bò ninh qua đêm quyện với nước chần thịt cùng gừng nướng, hoa hồi. Bánh phở, thịt bò mềm cộng với vị ngọt của nước dùng khiến cái đói cồn cào trước đó của bạn sẽ được đẩy lùi.
"Phở gà ăn chanh, phở bò ăn giấm", người xưa đã dạy như vậy. Nước dùng từ xương gà vốn đã ngọt thanh nên phải hòa với vị chua dịu của chanh. Còn bò muốn có vị ngọt đậm và mùi thơm hơn thì phải có gia vị tương ứng là giấm tỏi. Vì vậy, để cho bát phở bò thêm dậy mùi, các thực khách thường bỏ chút giấm, hạt tiêu và lát ớt tươi.
Quẩy ở đây cũng được yêu thích bởi khi ăn cảm nhận được tiếng giòn rụm tan trong miệng. Vị beo béo, ngầy ngậy của dầu rán cuốn theo chút nước phở cũng từ đó mà lan tỏa.
Ngoài những nguyên liệu không thể tách rời, một số người chế biến phở còn cho thêm hành tây. Tuy vậy, với một số người yêu thích hương vị xưa cũ của đất Hà thành, hành tây tuy ngọt nhưng bị hăng, ăn xong miệng và cổ họng có mùi nồng. Ở phở Sướng, quán chỉ sử dụng hành hoa. Nếu thực khách có nhu cầu, họ cũng chỉ thêm hành củ chần có mùi nhẹ hơn hành tây.
Không gian quán mộc mạc với bàn ghế đơn giản. Nhân viên ở đây cũng phục vụ nhanh. Thực khách chỉ phải chờ vài phút là có đồ ăn. Khu vực chế biến tách biệt với nơi ăn uống, tạo cảm giác vệ sinh. Thông thường, mỗi bát phở có giá dao động từ 45.000 đến 60.000 đồng với thực đơn gồm tái, chín, gầu, nạm, sốt vang... Một rổ quẩy có giá từ 5.000 đồng.
Thành Trương