Bánh đa cua là món ăn đã thân thuộc với người dân đồng bằng Bắc bộ, được nhiều người ưu ái trong cả ngày nắng lẫn ngày mưa, giá rét hay nóng bức.
Bát bánh đa hấp dẫn phải hội tụ đủ năm màu. Màu vàng nâu của gạch cua; màu xanh mướt của rau muống, rau cần, rau rút hay chút hành hoa; điểm thêm chút sắc đỏ của ớt chưng; màu vàng ruộm của hành phi; màu xanh thẫm của những chiếc chả lá lốt; cuối cùng là màu nâu sẫm của sợi bánh đa.
Bánh đa đỏ được xếp vào hàng đặc sản lâu đời tại Dư Hàng Kênh (Hải Phòng). Sợi bánh mỏng, mềm, giòn dai đậm vị, thơm mùi gạo mới. Để có được sợi bánh đạt chuẩn như vậy, người chế biến phải chọn gạo thật kỹ, khắt khe từ khâu ngâm gạo, chế nước xay, pha bột, tráng bánh và điều chỉnh lửa lúc tráng. Để bánh có màu nâu sẫm, mỗi nơi thường giữ cho mình một bí quyết riêng về loại mật được pha vào bột trong quá trình làm bánh tráng.
Ở quanh phố cổ, nhiều người Hà Nội hay lựa chọn hàng bánh đa cua của chị Mùi, bán từ trưa đến chiều tối tại số 8 Hàng Đồng. Hai vợ chồng chị bán hàng được hơn 20 năm quanh khu Lãn Ông, Hàng Cá, Chả Cá...
Hầu hết các hàng ở Hà Nội nhập cua từ các tỉnh lân cận. Trong khi đó, chị Mùi nhập cua từ Thanh Hóa, nơi có điều kiện thuận lợi cho cua đồng sinh sản và phát triển, nên thịt ngọt hơn. Gia đình để gạch cua trong cặp lồng, màu trông khá bắt mắt. Ngoài ra, quán cũng có sẵn mỡ phi hành để làm món trộn.
Rau muống, rau cần, rau rút theo mùa, chần qua nước dùng, ăn vừa đậm vị vừa giòn ngọt, giá đỗ được nhặt rửa sạch sẽ. Hành phi, ớt quả, dấm, ớt chưng được bày gọn gàng. Nồi nước cua trong veo, bát trộn không có quá nhiều loại gia vị. Với những ai thích ăn một bát bánh đa cua vị thanh, có lẽ đây là một địa chỉ đáng để thử.
Trải qua thời gian, bát bánh đa của chị Mùi có thêm thịt bò, chả, đậu, giò tai. Ngoài bánh đa đỏ, khách có thể chọn bánh đa trắng, miến. Hàng bán từ 11h tới 18h, bát thường có giá 15.000 đồng. Bát thêm bò, giò, chả... giá từ 25.000 đến 30.000 đồng.
Viet Nguyen