Ngày 14/1, tại Hội thảo 20 năm quan hệ Việt - Mỹ, ông Tuyển nhận định mối quan hệ hai nước trong bối cảnh gia nhập TPP đã và đang từng bước thay đổi rất nhiều so với giai đoạn gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ông Tuyển phân tích, nếu trước đây Việt Nam cần các đối tác nhiều hơn thì trong giai đoạn này, mối quan hệ trở nên cân bằng khi đôi bên đều thật sự cần nhau vì lợi ích thiết thực của từng nước. "Trong trường hợp này nhu cầu chiến lược thúc đẩy hợp tác, chứ không vì áp lực hay tác động của bên thứ ba. Đây chính là tầm nhìn thời đại", ông nói.
Chuyên gia này nhận xét, với Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương, Việt Nam có vị thế thấp hơn các nước tham gia vì xuất phát ở trình độ khiêm tốn nhất nhưng điều này không phải là rào cản. Ngược lại, với tiềm năng to lớn của một thị trường hơn 90 triệu dân, xuất phát điểm thấp lại chính là cơ hội để Việt Nam học hỏi, vươn lên, bứt phá và tiệm cận đến những tiêu chuẩn của các thị trường có trình độ cao hơn.
"Nếu so với các nước thành viên tham gia TPP, mối quan hệ Việt - Mỹ đóng vai trò nhỉnh hơn và bức thiết hơn cả. Do đó, TPP chính là chìa khóa mở ra triển vọng hợp tác của hai nước trong tương lai", ông Tuyển nói.
Tại hội thảo, Đại sứ Mỹ, Ted Osius nhấn mạnh, TPP đang đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của Mỹ, Việt Nam cũng như các nước thành viên. Nếu xét riêng mối quan hệ Việt - Mỹ, TPP cho thấy hai nước ngoài sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, thể chế còn tồn tại rất nhiều điểm chung. Đó là những mục tiêu hai nước cùng tập trung hợp tác, phát triển như: kinh tế, giáo dục, an ninh, môi trường...
Nguyên cố vấn hàng đầu về châu Á của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Evan S. Medeiros mang đến hội thảo bài trình bày về tiềm năng, thách thức của khu vực châu Á Thái Bình Dương. Ông dự báo những biến động của nhiều nền kinh tế và thể chế chính trị trong khu vực này sẽ mở ra nhiều cơ hội bứt phá cho Việt Nam khi nước này hoàn tất gia nhập TPP.
Theo đó, Hiệp định tạo cục diện Việt - Mỹ đầy tích cực vì khi đó hai nước có cùng mục tiêu về kinh tế. Bước sang giai đoạn 2016, mối quan hệ này được nâng lên tầm cao mới, hứa hẹn cùng nhau tiến xa hơn nữa, trở thành mối quan hệ chiến lược vì chính lợi ích của các bên. Trước nhiều câu hỏi băn khoăn đến bao giờ TPP mới được thông qua, ông Evan S. Medeiros chia sẻ: "Có thể kỳ vọng trong nửa đầu năm 2016 sẽ có tin tức mới bởi hơn ai hết, Mỹ cũng háo hức chờ đợi hiệp định này không kém gì Việt Nam".
Vụ trưởng vụ chính sách đa biên (Bộ Công thương) - Lương Hoàng Thái cho rằng bức tranh thương mại Việt - Mỹ sẽ chuyển sang trang mới tươi sáng hơn khi TPP được thông qua. Đây là bước tiến dài bởi hiệp định này là ngưỡng cao nhất mà hai nước có thể hợp tác. Ông nhận xét thêm, TPP không thuần túy nhắm vào mục tiêu kinh tế, nó có thể tạo những động lực lớn hơn, ví dụ như nâng chuẩn hàng hóa, cải thiện môi trường kinh doanh, tác động tích cực đến các vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội...
Trong khi đó, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - Lê Tiến Trường bày tỏ sự lạc quan về cơ hội bứt phá của ngành dệt may khi TPP được hoàn tất. Hằng năm có 48% hàng dệt may Việt Nam xuất sang Mỹ, tương đương 12 tỷ USD. Với vai trò là thị trường tiêu thụ lớn, một khi Mỹ thông qua TPP, đây là tin đầy hứng khởi cho mối quan hệ hai nước. "TPP có thể ví như cột mốc đánh dấu chu kỳ mới của quan hệ Việt - Mỹ sau 20 năm qua và đặt nền móng cho 20 năm tới", ông ví von.
Tại hội thảo, vẫn có những ý kiến quan ngại về các thách thức tiềm ẩn mà Việt Nam sẽ phải đối mặt khi TPP được thông qua. Đó là chuẩn hàng hóa của hiệp định này quá cao, trình độ sản xuất của Việt Nam thấp, sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế... Tuy nhiên, nói như nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, không có sân chơi nào toàn màu hồng, có thách thức mới có cơ hội. "Xét trên tổng hòa các thành viên gia nhập TPP, mỗi nước đều có cơ hội và thách thức riêng, trong đó tương quan Việt - Mỹ đã có nhiều cải thiện, cho phép hai nước hướng đến những triển vọng tươi sáng hơn", ông nhận xét.
Vũ Lê