Có mặt tại TP HCM chiều 29/5, ông Charles H. Rivkin chia sẻ với báo chí về quan hệ kinh tế song phương Việt - Mỹ, các chính sách, sáng kiến cũng như thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới với Việt Nam. Ông đặc biệt nhấn mạnh cơ hội của Việt Nam to lớn khi quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành công.
"Tổng thống Obama đặt mục tiêu hoàn tất TPP trong thời gian tại vị. Tôi không thể đưa ra thời gian cụ thể ngày ký kết hiệp định này nhưng quá trình đàm phán diễn biến tích cực và chúng tôi hy vọng có thể sớm về đích năm nay", ông Charles H. Rivkin cho hay. Hiện Luật Quyền xúc tiến thương mại (TPA) đã được thông qua và đây chính là nền tảng thúc đẩy hoàn thành Hiệp định TPP trong thời gian sớm nhất.
Ông Charles H. Rivkin phát biểu, Mỹ mong muốn nhìn thấy đất nước Việt Nam vững mạnh, độc lập, thịnh vượng, tôn trọng nhân quyền và pháp quyền. Khi Việt Nam tham gia TPP với tiêu chuẩn cao có nghĩa là đứng vào hàng ngũ các nước dẫn đầu trong khu vực châu Á Thái Bình Dương để hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. "Việt Nam tuy là một trong những nền kinh tế có quy mô nhỏ nhất trong 12 nước đang đàm phán TPP nhưng một khi gia nhập TPP tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ cực kỳ ấn tượng", ông nói.
Một trong những lý do Mỹ muốn xúc tiến hiệp định thương mại này, theo giải thích của ông Rivkin, vì châu Á (trong đó có Việt Nam) có hơn 550 triệu người tiêu dùng và có thể tăng lên 2,7 tỷ người nên đây là thị trường quan trọng. Thương mại Việt - Mỹ cách đây 20 năm chỉ đạt 450 triệu USD nhưng hiện nay đã xấp xỉ 40 tỷ USD, tăng hơn 100 lần trong 2 thập niên qua. Do đó, thương mại hai nước chắc chắn sẽ tăng trưởng vượt bậc nếu hoàn tất TPP.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phân tích, các doanh nghiệp khi đầu tư bất cứ thị trường nào đều mong muốn 3 điều: tính minh bạch, khả năng dự báo cao và tinh thần thượng tôn pháp luật. Những điều này được đề cập cụ thể trong TPP với tiêu chuẩn cao nhất từ trước tới nay và đầy tham vọng. Do đó, khi Việt Nam cam kết tham gia vào TPP sẽ tạo ra một môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư không chỉ từ Mỹ mà còn từ khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra hiệp định này có thể tạo nên một liên minh chiến lược góp phần đưa các thành viên xích lại gần nhau hơn. Khi đó làn sóng đầu tư vào các quốc gia thành viên sẽ tăng trưởng nhanh chóng.
TPP còn tạo ra nhiều biến chuyển đối với các ngành công nghiệp, ông Charles H. Rivkin nói thêm. Mỹ hiện nay đã là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, sau khi tham gia TPP hàng rào phi thuế quan sẽ được dỡ bỏ và điều này sẽ tác động tích cực.
Trong nhóm 12 quốc gia đàm phán TPP, Mỹ là thị trường đơn lẻ lớn nhất thế giới với hơn 28.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Xét về số lượng, nhóm SME chiếm 98% trong tổng số doanh nghiệp cả nước. Thế nhưng chỉ 1% các doanh nghiệp vừa và nhỏ này tham gia xuất khẩu.
Việc dỡ bỏ hàng rào phi thế quan sẽ tác động rất lớn đến nhóm doanh nghiệp SME ở Mỹ. Một kịch bản tương tự cũng diễn ra tại Việt Nam. SME là xương sống của nền kinh tế, TPP có thể tạo điều kiện để khối SME vươn lên, giúp họ có cơ hội lần đầu tiên xuất khẩu hàng hóa sang những nước khác, điều mà trước đây họ chưa thể làm được.
Ông Charles H. Rivkin tiết lộ thêm, trong quá trình gặp gỡ và tiếp xúc các phòng thương mại Mỹ ở nhiều nơi, ông chưa thấy nơi đâu có động thái hào hứng như tại Hà Nội và TP HCM. Các doanh nghiệp Mỹ đã và đang rót vốn vào Việt Nam đều có mong muốn tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa. "Điều này có thể lý giải một phần là do sự chờ đợi, đón đầu Hiệp định TPP. Mặt khác, các doanh nghiệp Mỹ đặc biệt háo hức với thị trường này vì tại đây có lao động trẻ, tràn đầy năng lượng và có rất nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn", ông nhấn mạnh.
Vũ Lê